Hiểu rõ hơn về mũi 3 của vắc-xin phòng Covid-19
Cập nhật ngày: 28/03/2022 10:07:17
Hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Việc tiêm ngừa đúng và đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 vẫn đang là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả và quan trọng nhất trong cộng đồng, đặc biệt trong tình hình mới, không còn hạn chế đi lại, mở cửa phục hồi kinh tế của nước ta.
Qua hơn 1 năm thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất trong nước, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới hiện nay. Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 13/3, toàn tỉnh đã tiêm được 3.221.707 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó, tiêm mũi 1 đạt 100% dân số tỉnh; tiêm mũi 2 đạt 95%; tiêm mũi 3 hay mũi tăng cường đạt hơn 63%. Qua đó, cho thấy hầu hết người dân đã thực hiện đủ 2 mũi vắc-xin cơ bản, mũi thứ 3 đang được đẩy mạnh hoàn thành một cách nhanh nhất.
Khi chiến dịch tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 được phát động, đa số người dân đều đồng tình và nghiêm túc thực hiện việc tiếp tục tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người dân còn lo lắng, băn khoăn, chần chừ chưa chịu tiêm mũi 3 do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phổ biến là tâm lý tiêm 2 mũi là đủ rồi, lo sợ khi tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19, tác dụng phụ sau tiêm sẽ nặng hơn 2 mũi trước đó, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Điều này có đúng hay không?
Việc tiêm nhắc mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 là điều rất cần thiết
Tiêm vắc-xin là biện pháp chủ động giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại vi-rút gây bệnh. Tuy nhiên, sau từ 4 - 6 tháng sau tiêm, lượng kháng thể có được do tiêm 2 mũi cơ bản trong cơ thể bị giảm dần. Chính vì thế mà việc tiêm nhắc lại mũi 3 là vô cùng cần thiết, làm tăng mức độ phản ứng miễn dịch, giúp cơ thể tăng sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh là SARS-CoV-2. Thực tế, CDC Hoa Kỳ cũng đã công bố kết quả nghiên cứu trong giai đoạn biến thể Omicron xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay thì hiệu quả bảo vệ của vắc-xin khỏi nguy cơ phải cấp cứu hoặc điều trị khẩn cấp là 87% trong 2 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường, đến tháng thứ tư hiệu quả còn 66%. Hiệu quả bảo vệ đối với nguy cơ nhập viện là 91% trong 2 tháng sau tiêm và còn 78% ở tháng thứ tư sau tiêm. Do đó, việc tiêm nhắc mũi vắc-xin tăng cường là vô cùng quan trọng.
Phản ứng phụ thông thường sau tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 là không đáng kể so với lợi ích mà nó đem lại
Vắc-xin phòng Covid-19 cũng như bao vắc-xin thông thường khác mà con người sử dụng để bảo vệ cơ thể từ trước đến nay. Chính vì thế, khi sử dụng khó tránh khỏi có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn. Tác dụng phụ sau tiêm là phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với vắc-xin được thể hiện qua bên ngoài, tùy theo từng cơ địa của mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau. Qua các báo cáo cho thấy, những tác dụng phụ phổ biến sau tiêm mũi 3 là: sốt, đau đầu, mệt mỏi, sưng nhẹ và đau ở vị trí tiêm, đau mỏi cơ, nôn ói, tiêu chảy... hầu hết đều biểu hiện ở mức độ nhẹ đến trung bình, rất ít xảy ra các trường hợp phản ứng dữ dội và đều phục hồi sau điều trị. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi tiêm vắc-xin, các điểm tiêm đều chuẩn bị chu đáo công tác an toàn tiêm chủng, sẵn sàng thực hiện cấp cứu khi có tình huống xấu xảy ra nên mọi người có thể an tâm khi đi tiêm phòng vắc-xin Covid-19 mũi 3.
Tiêm mũi 3 - mũi tăng cường cùng loại hay khác loại so với 2 mũi tiêm cơ bản trước đó đều mang lại hiệu quả bảo vệ như nhau
Nhiều người có tâm lý e ngại hay chờ đợi loại thuốc mình muốn để thực hiện việc tiêm mũi 3, điều này là không nên, vì khi trì hoãn việc tiêm phòng mũi 3 cũng đồng nghĩa với việc cơ thể không được bảo vệ kịp thời khi lượng kháng thể tạo được của 2 mũi cơ bản trước đó bị giảm xuống dẫn đến dễ bị nhiễm bệnh.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội, làm giảm tỷ lệ bị bệnh nặng hoặc tử vong khi bị nhiễm SAR-CoV-2. Tất cả mọi người cần nhanh chóng thực hiện tiêm mũi 3 theo quy định để bảo vệ cơ thể một cách nhanh nhất và tốt nhất.
Mỹ Hạnh- CDC Đồng Tháp