Không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người xung quanh

Cập nhật ngày: 25/06/2020 05:44:11

ĐTO - Theo Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, nước ta giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên (từ 15-24 tuổi) từ 26% năm 2011 xuống 18%; nam giới từ 47,4% năm 2011 xuống 39%; nữ giới xuống dưới 1,4%; đồng thời tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc.


Bác sĩ Bệnh viện Phổi Đồng Tháp khám, tư vấn cho bệnh nhân cách cai thuốc lá

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Luật PCTHTL đã đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội không khói thuốc lá. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi Luật này hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do thuốc lá là một sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá rẻ và người dân rất dễ dàng mua bán; ý thức tuân thủ pháp luật về PCTHTL của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân còn thấp; tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng còn khá phổ biến; tại nhiều điểm bán thuốc lá, vẫn còn tình trạng trưng bày, khuyến mại không theo quy định... Bên cạnh đó, chế tài xử phạt quy định chưa rõ ràng; việc triển khai ở một số nơi còn mang nặng tính hình thức dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Là người nghiện thuốc lâu năm, chú Nguyễn Văn Tâm ở xã Tân Quới, huyện Thanh Bình cho biết: “Tôi hút thuốc lá hơn 10 năm nay, ban đầu chỉ hút vài 3 điếu mỗi ngày, dần thành thói quen và nghiện không thể bỏ được. Dù biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe và kinh tế gia đình tuy nhiên việc từ bỏ thuốc lá rất khó khăn do môi trường xung quanh tác động hoặc khi giao lưu bạn bè”.

Theo bà Nguyễn Thị Hai ngụ TP.Cao Lãnh, hiện nay tại các địa điểm công cộng như: quán cà phê, quán ăn, bến xe, đò, thậm chí ở bệnh viện... vẫn còn có nhiều người vô tư “nhả khói”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh... Điều này chứng tỏ người dân vẫn chưa ý thức được đầy đủ tác hại của thuốc lá cũng như những quy định về việc không hút thuốc lá tại nơi công cộng.

Theo thống kê của Bệnh viện Phổi Đồng Tháp trong số ca bệnh đến khám, điều trị tại Bệnh viện Phổi, hơn phân nửa là những người có vấn đề về sức khỏe liên quan trực tiếp đến tác hại của khói thuốc lá. Những trường hợp này thường mắc các bệnh: phổi tắt nghẽn mãn tính (Copd), ung thư... Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Tháp Nguyễn Hữu Thành cho biết, hầu hết bệnh nhân nam mắc Copd đều có hút thuốc lá. Bệnh này rất nguy hiểm, nghiêm trọng hơn là dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn khó điều trị...

Việc hút thuốc lá còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của những người xung quanh, nhất là những người thân trong gia đình do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá thụ động là hít phải khói thuốc lá trong môi trường không khí. Khói thuốc lá có thể gây đột tử ở trẻ sơ sinh; cân nặng khi sinh thấp; gây các bệnh về hô hấp, viêm tai giữa... Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non, sinh con nhẹ cân... Hút thuốc lá thụ động gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho tất cả những người tiếp xúc, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Người không hút thuốc lá nếu hít phải khói thuốc lá cũng bị ảnh hưởng tương tự như với người hút thuốc lá trực tiếp.

Thực trạng trên cho thấy việc triển khai thường xuyên và hiệu quả Chương trình PCTHTL nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và khắc phục những hậu quả do sử dụng thuốc lá gây ra để bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân là hết sức cần thiết. Do đó, tốt nhất những người chưa hút thuốc thì đừng bao giờ hút thuốc. Những người đã hút thì cố gắng cai thuốc để hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Quá trình cai thuốc lá sẽ gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do, vì vậy người cai thuốc phải có ý chí, kiên trì, nếu thất bại thì thử lại lần nữa, không nên nản lòng. Gia đình có vai trò to lớn trong quá trình cai thuốc lá của người hút, gia đình cần động viên, hỗ trợ, tạo thêm động lực, cũng như có những tác động về tâm lý đến người thực hiện cai thuốc lá. Các trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ cai thuốc lá có thể đến bệnh viện để được các y, bác sĩ hỗ trợ, can thiệp các hội chứng cai thuốc lá như thay đổi về sinh lý và tinh thần khi bắt đầu bỏ thuốc lá.

Cần xây dựng môi trường sống trong lành không khói thuốc lá, bên cạnh đó tăng cường nâng cao sức khỏe chống lại bệnh tật như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; tập thể dục thường xuyên; điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn nếu có, đặc biệt là các bệnh có liên quan đến khói thuốc lá.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn