Lợi ích của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế
Cập nhật ngày: 15/08/2017 06:37:59
Ngày 15/3/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Theo đó, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa tham gia BHYT được đều chỉnh khung giá tối đa, như: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá kỹ thuật dành cho các hạng bệnh viện (BV) và trong đó nhóm giá dịch vụ khám bệnh và giá ngày giường điều trị tăng rất cao.
Hiện cả nước còn khoảng 20% dân số chưa tham gia BHYT, nhưng việc bao phủ là không dễ. Do vậy việc thực hiện Thông tư 02/2017/TT-BYT sẽ tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT đông đủ hơn, thể hiện tinh thần chia sẻ, đảm bảo an sinh xã hội, nếu không tham gia BHYT, khi mắc bệnh sẽ rất khó khăn vì phí khám và điều trị tăng gấp nhiều lần hơn trước.
Mặc dù Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, áp dụng cho đối tượng không tham gia BHYT. Tuy nhiên, không phải tất cả các BV trên toàn quốc thực hiện ngay thời điểm 1/6/2017. Bộ Y tế sẽ quy định thời gian thực hiện với các BV trực thuộc Bộ Y tế và BV thuộc bộ, ngành từ hạng 1 trở lên. Tại các địa phương sẽ do Hội đồng nhân dân địa phương quy định, kể cả BV bộ, ngành từ hạng 2 trở xuống thì Hội đồng nhân dân các địa phương có thể quy định giá mới bằng, hoặc thấp hơn mức giá tối đa.
Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8/2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017; TP.HCM sẽ thực hiện vào tháng 10/2017 và Hà Nội thực hiện vào tháng 8/2017. Theo đó, từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng mức viện phí mới bao gồm hơn 1.900 dịch vụ y tế. Đối tượng áp dụng trong lần điều chỉnh này là những người dân chưa tham gia BHYT và những người có thẻ BHYT nhưng đi khám, chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT,...
Theo quy định mới, chi phí khám tối đa ở BV hạng đặc biệt và BV hạng I là 39.000 đồng/lượt; hạng II là 35.000 đồng/lượt; hạng III là 31.000 đồng/lượt và BV hạng IV; phòng khám đa khoa khu vực; trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Như vậy, số chi phí tăng lên rất nhiều so với hiện tại mà người không tham gia BHYT sẽ phải chi trả 100% chi phí, viện phí khám chữa bệnh. Đối với dịch vụ ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc từ 226.000 - 362.000 đồng tùy theo hạng BV (BV hạng I là 335.900 đồng, BV hạng II là 279.100 đồng, BV hạng III là 245.700 đồng), còn đối với chi phí giường bệnh hồi sức tích cực như ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc khung giá tối đa từ 568.900 - 677.100 đồng. Ngoài ra, một số bệnh liên quan khác như: ung thư, xạ trị, tim mạch, thần kinh,... cũng tăng đáng kể. Như vậy đối với người không tham gia BHYT khi nằm điều trị dài ngày tại BV thì mức chi trả không nhỏ.
Thông tư 02/2017/TT- BYT cũng quy định rõ giá ngày giường điều trị được tính cho 1 người/1 giường điều trị, trường hợp phải nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thu tối đa 50%, trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thu tối đa 30% mức thu ngày giường điều trị. Vì vậy, quyền lợi khi người dân tham gia BHYT sẽ có nhiều lợi ích trong việc thanh toán chi phí, viện phí khi cần thiết.
Trên thực tế, nhiều người dân có quan niệm rằng khi tham gia BHYT thì dịch vụ khám chữa bệnh sẽ không đạt hiệu quả cao, thuốc không chất lượng,... điều đó là không đúng, bởi vì quyền lợi người tham gia BHYT trước hết là được hỗ trợ, giải quyết gánh nặng về mặt kinh tế cho người bệnh và cho gia đình khi được bảo hiểm chi trả chi phí, viện phí. Điều khác nhau giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT là bệnh nhân có BHYT được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả từ 80 - 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng, đối với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT thì phải chi trả 100% toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.
Trường hợp một số dịch vụ kỹ thuật cao khi bệnh nhân cần thực hiện thì mức chi trả cũng rất lớn, đối với người dân có mức sống thu nhập trung bình, hoặc thấp thì có nguy cơ không chi trả đủ theo khung giá mà Thông tư 02 đã ban hành. Chính vì vậy, nhu cầu rất quan trọng, cần thiết là người dân cần tham gia BHYT ngay từ bây giờ để mang lại quyền lợi cho chính mình, hạn chế tối đa gánh nặng về kinh tế khi cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Nguyễn Hiền/TTTT-GDSK