Lưu ý sớm các bệnh học đường

Cập nhật ngày: 14/03/2017 06:04:31

ĐTO - Tư thế ngồi không đúng, phòng học thiếu ánh sáng, quá lạm dụng ánh sáng tự nhiên, chưa có thói quen chải răng sau bữa ăn... được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh học đường trong thời gian qua. Với tỷ lệ học sinh (HS) mắc các bệnh liên quan đến mắt, răng đang ở mức trên 40%, cho thấy đã đến lúc những thói quen này cần được quan tâm và thay đổi.


Nhiều học sinh có thói quen ngồi không đúng tư thế

Về cơ sở vật chất, các trường học trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của HS, không có tình trạng thiếu bàn, ghế, bảng, đèn... Tuy nhiên, bàn ghế một số nơi vẫn chưa đúng chuẩn vì nhiều lý do, do nhiều HS có thói quen ngồi vẹo lưng, khoảng cách giữa mặt bàn và mắt ở cự li gần, bảng phía trước mặt lóa ánh sáng, cự li bảng và chỗ ngồi của các em chưa phù hợp... Bác sĩ Nguyễn Thị Liên Chi - Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường - Sức khỏe trường học, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: HS sử dụng các thiết bị di động nhiều, điều kiện học tập ở gia đình không có, vào mùa thi các em sử dụng đèn không đủ sáng dùng trong học tập, sử dụng ánh sáng nhân tạo quá mức cho phép, dễ dẫn đến các tật khúc xạ. Đối với các bệnh về răng, đa số các em có thói quen sử dụng thức ăn nhanh, sau khi ăn không đánh răng, thiếu sự nhắc nhở từ phía người thân, gia đình, sự lơ là của bản thân trong việc chăm sóc răng miệng.

Đến một số điểm trường Tiểu học, THCS, THPT tại TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự, huyện Lấp Vò..., chúng tôi thấy tình trạng HS ngồi không đúng tư thế khá phổ biến. Tại huyện Lấp Vò, qua thống kê hoạt động y tế trường học, cụ thể là việc khám sức khỏe định kỳ HS năm học 2014-2015, cho thấy tật khúc xạ (mắt) đối với HS cấp Tiểu học chiếm 2%, THCS hơn 5%, THPT hơn 16%. Năm học 2015-2016, HS mắc tật khúc xạ tại TP.Sa Đéc cấp Tiểu học chiếm 13,55%, cấp THPT 31,47%, các đơn vị còn lại như huyện Tân Hồng, TP.Cao Lãnh, huyện Thanh Bình, HS bị mắt tật khúc xạ chiếm từ 10% trở lên.


Đo chiều cao, kiểm tra sức khỏe học sinh vào đầu năm học

 Ngoài tật khúc xạ mắt, bệnh về răng miệng đang trở nên phổ biến ở HS cấp Mẫu giáo, Mầm non, Tiểu học ở một số địa phương. HS cấp Tiểu học các địa phương như TX.Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, TP.Cao Lãnh, các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Tân Hồng, Cao Lãnh trên 60% HS mắc bệnh về răng; tỷ lệ này giảm dần ở THCS, THPT. Những vấn đề về răng miệng, tật khúc xạ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của các em. Nhiều HS không biết mình mắc bệnh, đến khi phát hiện thì đã ảnh hưởng đến kết quả học tập. Anh Đặng Quốc Bảo - cựu HS Trường THPT Tháp Mười cho biết: “Năm lớp 10, nhìn lên bảng tôi thấy mờ mờ. Để chép bài, tôi phải nhìn sang bạn kế bên. Khi kiểm tra mắt thì mới biết mắt tôi bị cận hơn 1 độ, phải đeo kính...”.

 Vấn đề chăm sóc sức khỏe HS các cấp được Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện trong mỗi năm học. Hiện nay, các điểm trường đều có hoạt động y tế học đường; Trung tâm Y tế phối hợp các trường tổ chức khám sức khỏe HS để phát hiện các loại bệnh liên quan đến răng, tật khúc xạ. Ngoài ra, chương trình tư vấn, truyền thông sức khỏe học đường cũng được triển khai trong nhà trường thông qua các hình thức: tư vấn trực tiếp tại phòng y tế, dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa, chương trình phát thanh học đường... Để từng bước hạn chế tỷ lệ HS mắc các bệnh về răng, tật khúc xạ, phụ huynh HS cần đưa các em đi khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra mắt, răng; bố trí chỗ ngồi học ở nhà cho các em đủ ánh sáng, khuyến khích các em ngồi theo tư thế đúng, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. Ban giám hiệu các trường cần kiện toàn lại hoạt động y tế học đường, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, hướng dẫn các em giữ gìn sức khỏe, phòng, chống các bệnh liên quan đến học đường;...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn