Mối quan hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe

Cập nhật ngày: 17/10/2016 06:16:35

Theo tài liệu nghiên cứu về dinh dưỡng của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, quá trình tăng trưởng và phát triển của mỗi người chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện dinh dưỡng ngay trong bào thai và trong những năm đầu của cuộc sống. Bào thai phát triển từ một tế bào trứng đã thụ tinh và tiếp tục phát triển cho đến khi trưởng thành. Trường hợp thiếu dinh dưỡng khi mang thai sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai, cân nặng lúc sanh thấp, vòng đầu và chiều dài cơ thể thấp, trẻ sơ sinh có cân nặng thấp thường có tỷ lệ tử vong cao và cơ thể thấp nhỏ, cân nặng lúc sanh thấp làm giảm số lượng tế bào não ảnh hưởng đến chỉ số thông minh về sau.

Ngoài ra, có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ sơ sinh nhẹ cân do mẹ bị thiếu dinh dưỡng là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch sau này. Do đó, sự phát triển nói chung phụ thuộc vào các yếu tố di truyền, nội tiết, thần kinh thực vật và dinh dưỡng. Trong đó, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng, dinh dưỡng hợp lý sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu cần thiết để đẩy mạnh tiềm năng phát triển các yếu tố trên.

Riêng đối với các bệnh liên quan đến thiếu hoặc thừa dinh dưỡng rất đa dạng và xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, có các đối tượng có nguy cơ cao thiếu dinh dưỡng là trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, người già, các đối tượng có nguy cơ thừa dinh dưỡng là trẻ em tuổi học đường, người trưởng thành và người tuổi trung niên.

Dinh dưỡng cũng liên quan rất nhiều với các bệnh mạn tính như: béo phì, tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, loãng xương, sỏi mật, xơ gan...

Béo phì là vấn đề dinh dưỡng phổ biến nhất ở các nước phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì bao gồm: di truyền, chế độ vận động, chế độ ăn và bệnh tật, tuy nhiên chế độ ăn nhiều chất béo, ăn vặt và thiếu vận động là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến béo phì.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, kích thích tạo các mảng xơ vữa, hình thành cục máu đông là nguyên nhân gây đột quỵ và các tổn thương ở thận. Chế độ ăn là yếu tố quan trọng để kiểm soát huyết áp. Ví dụ: người tăng huyết áp khi lượng chất béo trong khẩu phần giảm 25% thì huyết áp có thể giảm 10%. Người tăng huyết áp không nên ăn nhiều chất đạm, không nên uống rượu, bia, chế độ ăn nhiều muối và ít kali cũng gây tăng huyết áp.

Béo phì là nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường typ 2 không phụ thuộc Insulin. Nguy cơ này tăng lên theo thời gian và mức độ béo. Nên ăn nhiều rau, giảm acid béo no, giảm cholesterol và đường có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh.

Loãng xương là tình trạng khối lượng xương giảm, dẫn tới gãy xương chỉ sau chấn thương nhẹ, đó là do lượng protein và chất khoáng trong thành phần cơ bản của xương bị giảm. Chế độ ăn đủ Calci và Fluor giúp tham gia vào quá trình cốt hóa xương.

Mối quan hệ giữa sử dụng rượu bia và xơ gan đã được nhiều minh chứng, khi uống rượu khả năng chuyển hóa của gan tăng lên và khi uống vào lượng quá nhiều rượu, bia có thể dẫn đến ngộ độc, hủy hoại tế bào gan. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy nếu giảm mức tiêu thụ rượu từ 160g xuống còn 80g/ngày có thể làm giảm tỷ lệ mắc xơ gan đến 58% và ung thư thực quản 28%.

Ngoài các bệnh kể trên còn có các bệnh mạn tính khác như: tim mạch, sỏi mật, ung thư... Tóm lại, thiếu ăn về chất lượng và thừa ăn về số lượng đều có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi khác nhau. Do đó, một chế độ ăn cân đối, hợp lý là cần thiết để con người sống khỏe mạnh, sống lâu.

Cẩm Lụa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn