Một số điều cần biết về dự phòng lây truyền hiv từ mẹ sang con
Cập nhật ngày: 20/06/2017 07:26:41
Hiện nay, tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng, kéo theo sự gia tăng nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em. Năm 2016, số phụ nữ mang thai trong tỉnh Đồng Tháp được làm xét nghiệm HIV là trên 29.300 người, trong đó có 39 người dương tính với HIV và được thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con kịp thời đúng phác đồ nên không có trường hợp nào trẻ sinh ra dương tính với HIV. Vì vậy, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là vấn đề cần thiết và rất quan trọng.
Lây truyền từ mẹ sang con là việc lây truyền HIV từ người mẹ nhiễm HIV sang con trong thời kỳ mang thai, sinh con và cho con bú.
Theo ước tính của Cục phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế, trung bình hàng năm có khoảng 2.000 phụ nữ nhiễm HIV mang thai. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong trường hợp không có sự can thiệp nào, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 15 - 45%. Nhưng nếu được thực hiện các biện pháp can thiệp hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, khi sinh và khi cho con bú tỷ lệ này có thể giảm xuống dưới 5%. Từ đó, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con” đã được phát động nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân, đặc biệt người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, phụ nữ nhiễm HIV mang thai và trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV.
Việc lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra trong các giai đoạn sau:
Lây truyền khi mang thai
Khi người mẹ mang thai nhiễm HIV thì HIV sẽ từ máu của mẹ qua rau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền này có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai mới được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ, tỷ lệ lây truyền cao khi thai nhi được 18 tuần tuổi. Qua nghiên cứu của WHO trên 100 người mẹ mang thai nhiễm HIV (không được can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) có khoảng 9 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong khi mang thai. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể tăng lên nếu mẹ bị nhiễm HIV trong khi đang có thai hoặc người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn muộn mới mang thai.
Lây truyền trong khi sinh
Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân có thể do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể “bơm mạnh” máu của người mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ). Do trẻ tiếp xúc với nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ làm cho vi-rút HIV dễ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da sây sát của trẻ trong quá trình sinh). Do HIV từ trong máu của mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ và xâm nhập vào cơ thể (niêm mạc) của trẻ sơ sinh.
Nghiên cứu của WHO trên 100 người mẹ mang thai nhiễm HIV (không được can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) có 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ. Tuy nhiên, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị sây sát, sang chấn, thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh kéo dài nhất là khi thời gian này trên 4 giờ, đứa trẻ sinh ra trước trong trường hợp sinh đôi, sinh ba,...
Lây truyền trong thời kỳ cho con bú
HIV có trong sữa mẹ nên có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng hoặc khi trẻ mọc răng cắn núm vú chảy máu. Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV hơn. Nghiên cứu của WHO trên 100 người mẹ mang thai nhiễm HIV (không được can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) có 10 trẻ bị lây nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ.
Một số biện pháp can thiệp để làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Can thiệp trước sinh: tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nếu HIV dương tính thì giới thiệu hoặc chuyển gởi bệnh nhân tới các cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS để đánh giá về lâm sàng (nhiễm trùng cơ hội, giai đoạn lâm sàng) và xét nghiệm (đồng nhiễm viêm gan B/C, xét nghiệm cơ bản,...), dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con nếu đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng vi-rút AVR (lưu ý tránh sử dụng thuốc không ảnh hưởng tới thai nhi như EFV đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ), đồng thời lưu ý tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người mẹ.
Can thiệp trong khi sinh: với những phụ nữ chưa được tiếp cận các can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng lây truyền mẹ con theo hướng dẫn, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn...; cân nhắc chỉ định mổ lấy thai, nhanh chóng lau sạch máu và sản dịch cho trẻ sơ sinh.
Can thiệp sau sinh: chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế cho sữa mẹ ngay sau sinh nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu (không cho ăn thêm bất cứ thức ăn nước uống nào khác) rồi cho ăn bổ sung từ tháng thứ 7 và cai sữa cho trẻ ăn bổ sung hoàn toàn từ đủ 12 tháng tuổi. Trong thời gian trẻ bú sữa mẹ, bắt buộc người mẹ phải điều trị bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt. Ngoài ra, trẻ cần được đăng ký và theo dõi sức khỏe tại một cơ sở y tế điều trị về HIV/AIDS để được xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV và điều trị dự phòng nếu có.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một giải pháp thiết thực và quan trọng trong việc cứu nhiều trẻ em khỏi tình trạng nhiễm HIV từ người mẹ nhiễm HIV cũng như góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Phụ nữ mang thai đặc biệt là phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần biết rằng không phải tất cả trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đều bị nhiễm HIV. Việc phát hiện sớm HIV khi mang thai, biết được các giai đoạn có thể lây truyền HIV từ mẹ sang con để có các can thiệp hiệu quả cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ giúp sinh ra những trẻ khỏe mạnh và không nhiễm HIV. Do đó, phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV ngay trong 3 tháng đầu để phát hiện sớm và được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con kịp thời, đúng cách. Ngoài ra, hoạt động thiết thực này nên được tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, các cơ sở cung cấp dịch vụ về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, phụ nữ nhiễm HIV mang thai và trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV được quảng bá rộng rãi đến mọi người và ngày càng được nâng cao chất lượng.
TƯỞNG VI