Người đã từng nhiễm Adenovirus có bị tái nhiễm không?

Cập nhật ngày: 23/10/2022 06:07:46

ĐTO - Thời gian qua, số ca nhiễm Adenovirus trong cộng đồng tăng cao. Theo số liệu báo cáo từ Bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến giữa tháng 9/2022 đã có 1.406 ca nhiễm, chủ yếu tập trung từ đầu tháng 8. Trong số đó, có 811 trường hợp có chỉ định nhập viện và đáng chú ý đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong. Theo dự báo số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.


Nguồn Internet

Adenovirus là các vi-rút DNA, có sức đề kháng tương đối bền vững. Vi-rút có thể tồn tại và còn khả năng gây nhiễm ở 36 độ C trong 7 ngày, 22 độ C trong 14 ngày và 40 độ C trong 70 ngày; phạm vi pH rộng từ 2 - 10. Vi-rút bị mất độc lực nhanh và chết ở 56 độ C từ 3 - 5 phút. Adenovirus được giữ lâu dài trong điều kiện đông khô hoặc đông băng. Vi-rút nhân lên tốt trong tế bào con người, thời gian cho một chu kỳ nhân lên trung bình là 30 giờ.

Bệnh do Adenovirus là một bệnh vi-rút cấp tính, phương thức lây truyền đa dạng như lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp, dịch tiết của cơ thể; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hay nguồn nước ô nhiễm có chứa các dịch tiết từ mắt, mũi, miệng của người đang mắc bệnh; tiếp xúc gián tiếp qua các đồ dùng chung với người bệnh.

Adenovirus có 7 nhóm (từ A đến G) và hơn 50 tuýp huyết thanh gây bệnh ở người trên nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Mỗi tuýp có thể gây bệnh trên cùng một cơ quan hoặc trên nhiều cơ quan. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 5-12 ngày, trung bình là 8 ngày, đôi khi cũng có thể kéo dài trên 12 ngày. Khi một người bị nhiễm bệnh, có thể lây truyền bệnh sang người khác từ cuối thời kỳ ủ bệnh cho đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc lâu hơn do cơ thể vẫn còn đào thải vi-rút ra ngoài.

Vi-rút Adeno có thể gây bệnh trên mọi đối tượng và bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là trẻ em (thường trong độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi), người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch... với các biểu hiện lâm sàng đa dạng như: sốt cao, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Bên cạch đó, bệnh còn thể để lại các biến chứng lâu dài như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi. Do đó, khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ như sốt, ho mệt mỏi và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế được khám và điều trị kịp thời.

Người đã nhiễm adenovirus sau khi khỏi bệnh có tái nhiễm hay không?

Như đã đề cập ở trên, Adenovirus có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người trên nhiều vị trí cơ quan khác nhau trên cơ thể. Nếu người bị nhiễm Adenovirus sau khi khỏi bệnh sẽ có miễn dịch hiệu quả cao và kéo dài với tuýp mắc bệnh nhưng cũng không có nghĩa là có khả năng bảo vệ đối với các tuýp Adeno khác. Và, trên lâm sàng nếu chỉ dựa vào triệu chứng thì cũng không thể xác định tuýp đã mắc. Chính vì vậy mà bất kì ai khi tiếp xúc với người bệnh nhiễm Adenovirus cũng đều có khả năng nhiễm bệnh.

Để phòng bệnh do Adenovirus cũng như các bệnh truyền nhiễm khác chúng ta cần:

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, rèn luyện thể lực để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại vi-rút, nhất là đối với trẻ em và người lớn tuổi; giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, thuốc lá. Chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, vệ sinh mũi họng, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng thường xuyên.

Hạn chế đến nơi công cộng, chỗ đông người khi đang có dịch bệnh xảy ra. Trong trường hợp ra ngoài, cần thiết phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn cho bản thân. Tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch không chỉ riêng đối với trẻ nhỏ mà cho cả người lớn, nhất là phụ nữ trước mang thai, người lớn tuổi. Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp đang có sẵn các loại vắc-xin tiêm ngừa cho mọi lứa tuổi. Người dân hãy đến Trung tâm để được tư vấn miễn phí và tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh.

BS.Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn