Nguy cơ sức khỏe từ đồ uống có đường

Cập nhật ngày: 14/05/2023 05:56:38

ĐTO - Đường là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu và nhanh nhất cho cơ thể hoạt động và não bộ tư duy. Tuy nhiên, nếu lượng đường được đưa vào cơ thể không được kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường tự do trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe.


Một lon 
nước ngọt có gaz đã chứa 38,8g đường bằng tổng lượng đường tiêu thụ trong ngày, thậm chí cao hơn mức khuyến nghị lượng đường tiêu thụ tốt cho sức khỏe của WHO

 Đường tự do là bao gồm tất cả các loại đường phụ gia được thêm vào thực phẩm, cộng với đường tự nhiên có sẵn trong các loại thực phẩm như: mật ong, si-rô và nước ép trái cây hay cả trong các loại trái cây...

Một người trưởng thành trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 2.000 calo. Vậy lượng đường tiêu thụ tối đa nên dưới 200 calo, tương đương khoảng 50g hoặc 12 thìa cà phê.

Một thực trạng đáng lo ngại là trong những năm gần đây, người Việt Nam đang có xu hướng tiêu thụ đường nhiều hơn so với khuyến nghị của WHO. Tại hội thảo “Công bố các khuyến nghị của WHO về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm” của Cục Y tế dự phòng tổ chức vào ngày 22/6/2020, tại Hà Nội, số liệu của Bộ Công Thương và Tổ chức Euromonitor International cho thấy, hiện mỗi năm, người Việt tiêu thụ gần 5 tỷ lít nước ngọt, tỷ lệ tiêu thụ theo đầu người đã tăng lên nhanh chóng, gấp 7 lần trong 15 năm qua, mạnh nhất là trà uống sẵn và nước có ga, đồ uống thể thao, nước tăng lực và cuối cùng là nước ép trái cây.

Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của WHO. Còn qua điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy, 62,86% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát có đường. Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2013, tỷ lệ học sinh Việt Nam thường xuyên sử dụng đồ uống có ga trong 30 ngày của lứa tuổi từ 13-17 tuổi trung bình là 31,1%, trong đó trẻ em nam là 35,1%, trẻ em gái là 27,6%.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đồ uống có đường mang thêm năng lượng ngoài khẩu phần ăn, đồng thời có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ngon miệng, ăn được nhiều đồ ăn hơn, đặc biệt là đồ chiên, nướng gây dư thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như: thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường... Biến chứng nặng nề là bệnh tim mạch, nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay, chiếm tới 33% nguyên nhân tử vong hàng năm. Một công trình nghiên cứu mới đây ở Pháp ghi nhận, hấp thụ thêm hàng ngày chừng 100ml nước ngọt (bao gồm nước trái cây, soda) sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư  hơn 18%. Đã từ lâu, người ta cho rằng chỉ có mỡ mới gây ra những tác dụng độc hại. Thực ra không hẳn như vậy, bởi vì hấp thu đường quá nhiều thì đường sẽ được chuyển hóa thành mỡ, gây ra các biến chứng như: viêm, xơ hóa, nhồi máu...

 Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng, chất lượng sống của người dân và nhiều hệ quả kinh tế - xã hội khác. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính hằng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường...

Ngày 23/3/2023 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường đối với sức khỏe, tác động của chính sách thuế và giá, nêu rõ căn nguyên gây nên bệnh béo phì và một số bệnh không lây nhiễm rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường ở cả trẻ em và người lớn. Gánh nặng thừa cân - béo phì trên toàn thế giới đã gia tăng nhanh chóng với xu hướng chuyển dịch từ các nước thu nhập cao sang các nước thu nhập thấp và trung bình, có tới 1/3 người lớn bị béo phì, trong đó số người ở độ tuổi trên 40 tăng gấp 3 lần, tức là khoảng 650 triệu người.

Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em. Tại hội thảo, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất, bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe, các loại đồ uống có đường nên được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế nhất và mang lại lợi ích sức khỏe cho người dân.

Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn