Nguyên nhân gây quầng thâm mắt ai cũng biết mà không tránh
Cập nhật ngày: 13/10/2020 05:29:37
Quầng thâm mắt không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu cảnh báo thể trạng không tốt.
Vùng da dưới mắt trở nên xạm và thâm thường là kết quả của hai vấn đề liên quan đến da liễu. Một là lớp da dưới vùng mắt bị mỏng đi khiến mạch máu lộ rõ hơn. Hai là tình trạng sưng bọng quanh vùng mắt dẫn tới quầng thâm.
Ảnh minh họa: Drcychua
Có nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn tới quầng thâm mắt:
1. Thiếu ngủ
Việc mất ngủ có thể khiến da trở nên nhợt nhạt. Điều đó đồng nghĩa mạch máu dưới da sẽ lộ rõ hơn và quầng thâm xuất hiện. Ngủ ít nhất 7 tới 8 tiếng mỗi đêm sẽ giúp giảm tình trạng này.
2. Lão hóa
Khi bạn càng già, vùng da quanh mắt sẽ càng mỏng khiến cho bọng mắt lộ rõ giống như bị sưng. Có một số liệu pháp để chữa trị quầng thâm như tiêm filler hay điều trị bằng laser. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng phù hợp hay được khuyến nghị sử dụng hai giải pháp trên. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định.
3. Dị ứng
Mắt bị khô hay dị ứng cũng có thể là nguyên nhân gây quầng thâm mắt. Khi hệ miễn dịch phản ứng với tác nhân gây dị ứng, cơ thể sẽ sản sinh ra histamine khiến cho bạn cảm thấy ngứa ngáy và tấy đỏ vùng mắt. Lúc đó, bạn sẽ thường chà tay lên vùng mắt để giảm cảm giác ngứa, nhưng hành động này càng làm kích ứng da và quầng thâm xuất hiện.
Nếu bạn đang có những dấu hiệu dị ứng như ngứa mắt, hắt hơi hay ngạt mũi, đây cũng có thể là tác nhân gây ra thâm quầng mắt.
Lúc này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thuốc chống dị ứng, giảm triệu chứng ngứa và quầng thâm mắt.
4. Yếu tố di truyền
Ngoài những tác nhân bên ngoài, yếu tố di truyền cũng có thể là lý do quầng thâm mắt xuất hiện.
Một nghiên cứu được đăng tải trên báo y học ở Brazil khẳng định, vấn đề tâm lý và thói quen sinh hoạt tác động đến việc hình thành quầng thâm mắt ở người Brazil.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra chính gene di truyền trong khả năng sản sinh melanin và mức collagen trong cơ thể cũng là tác nhân quan trọng trong việc hình thành quầng thâm mắt. Độ tuổi trung bình xuất hiện quầng thâm là 24.
Collagen là một loại protein trong cơ thể giúp da đàn hồi và hạn chế xuất hiện nếp nhăn. Trong khi đó, melanin lại tạo ra sắc tố nâu hoặc đen trên da. Tuy nhiên, các chuyên gia da liễu hoàn toàn có thể kiểm soát vấn đề này.
5. Thiếu sắt và thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng bệnh do không đủ lượng hồng cầu. Nguyên nhân thường là chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ sắt.
Với những người thiếu máu, hồng cầu không thể mang đủ oxy tới các cơ quan, trong đó có mắt. Tình trạng này dẫn tới quầng thâm.
Nghiên cứu ở Ấn Độ với 200 bệnh nhân bị quầng thâm mắt cho thấy họ đều thiếu máu. Sau khi bệnh được điều trị, hiện tượng trên cũng được cải thiện đáng kể.
Triệu chứng của thiếu máu thường là chóng mặt, mệt mỏi và da nhợt nhạt. Nếu bạn nghĩ mình thiếu máu, hãy thăm khám bác sĩ. Họ sẽ đưa ra lời khuyên về việc bổ sung sắt sao cho phù hợp.
Một số loại thực phẩm giàu chất sắt bạn nên ăn thường xuyên như rau chân vịt, đậu và hải sản.
6. Hút thuốc và uống rượu
Cả thói quen hút thuốc và uống rượu đều làm tăng nguy cơ tạo quầng thâm. Cụ thể, uống rượu khiến mạch máu vùng dưới mắt giãn nở, tình trạng thâm quầng càng trở nên tồi tệ. Chưa kể việc uống rượu còn ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ - nguyên nhân gây tình trạng quầng mắt thâm.
Carbon monoxid trong thuốc lá khiến lượng oxy chuyển tới da bị hạn chế. Điều này đồng nghĩa vùng da mỏng trở nên dễ bị thâm, tái nhợt. Hút thuốc còn khiến cơ thể bị lão hóa nhanh hơn do phá hủy collagen.
Huy Vũ/Vietnamnet (Theo Insider)