Những vắc-xin cần tiêm phòng trước khi mang thai
Cập nhật ngày: 01/10/2019 05:29:12
Tiêm ngừa trước khi mang thai rất cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và sự phát triển toàn diện của bé. Việc chủng ngừa đầy đủ cho người mẹ trước khi mang thai giúp tạo miễn dịch thụ động cho bé ngay sau khi chào đời.
1. Vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella
Đây là mũi tiêm có tác dụng phòng, chống 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ mắc phải trong thời kỳ mang thai là: sởi, quai bị và rubella.
Thai phụ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh và nhiễm rubella ở trẻ khi chào đời. Bệnh rubella bẩm sinh gây các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ sơ sinh, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh... Nhiều trẻ mắc đa dị tật.
Trước khi tiêm, bạn cũng cần kiểm tra sức khỏe trước để xác định chắc chắn mình không mang thai. Tiêm phòng ít nhất 3 tháng trước khi mang thai (theo thông tin kê toa của nhà sản xuất).
2. Vắc-xin thủy đậu
Những phụ nữ chưa nhiễm thủy đậu thì nên tiêm phòng trước mang thai ít nhất 3 tháng, đồng thời tránh tiếp xúc với người bệnh khi mang thai. Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu trong những tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh, nặng hơn là sảy thai hoặc thai lưu. Ngoài ra, các bà mẹ mắc bệnh thủy đậu khi gần sinh còn có thể lây truyền virus thủy đậu sang cho trẻ khi sinh nở, bé sơ sinh có thể bị nhiễm bệnh thủy đậu lan tỏa, tỷ lệ tử vong cao. Vắc-xin thủy đậu cũng nên tiêm phòng ít nhất 3 tháng trước khi mang thai (theo thông tin kê toa của nhà sản xuất).
3. Vắc-xin viêm gan siêu vi B
Tiêm vắc-xin viêm gan B trước khi mang thai là rất cần thiết. Bởi đây là một bệnh lý truyền nhiễm, khi mang thai bà mẹ nhiễm virus viêm gan B dễ dàng lây virus sang cho thai nhi hoặc lây cho trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp và phá hủy nặng nề đến gan, về lâu dài gây xơ gan, ung thư gan. Thai nhi mắc bệnh này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển sau này. Liều tiêm là 3 mũi, bạn cần xét nghiệm trước khi tiêm, nếu có đủ kháng thể rồi thì không cần tiêm.
4. Vắc-xin cúm
Trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu mẹ bầu mắc phải những cơn cúm kéo dài sẽ dẫn đến khả năng thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Vắc-xin cúm bất hoạt có thể được tiêm cho phụ nữ mang thai nhưng tốt nhất phụ nữ cần tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang thai nhằm đảm bảo thai nhi có sức khỏe tốt và phát triển toàn diện. Vắc-xin cúm thường nên tiêm nhắc lại hằng năm, đặc biệt với những phụ nữ có tiền căn hen phế quản hay tiểu đường.
5. Vắc-xin uốn ván
Bệnh uốn ván sơ sinh (UVSS) là bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ chủ yếu qua đường rốn trong quá trình sinh đẻ, cắt rốn hoặc chăm sóc rốn sau đẻ không đảm bảo vô trùng. Trẻ bị mắc bệnh UVSS có biểu hiện lâm sàng và diễn biến rất nặng, trẻ bị co cứng, co giật và hầu hết đều tử vong. Đây là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ở trẻ em. Ngoài ra, bệnh uốn ván cũng có thể xảy ra cho chính các bà mẹ trong quá trình sinh đẻ nếu cuộc đẻ không được đảm bảo vô trùng.
Tiêm vắc-xin uốn ván là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng bệnh UVSS cho cả mẹ và con. Lịch tiêm uốn ván đầy đủ cho phụ nữ bao gồm 5 liều: liều 1 tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc cho nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại vùng nguy cơ cao (nếu chỉ tiêm 1 liều sẽ không tạo ra được kháng thể đủ để bảo vệ cho cả mẹ và con); liều 2 tiêm sau liều thứ nhất ít nhất 1 tháng; liều 3 sau liều 2 ít nhất 6 tháng hoặc lần có thai sau; liều 4 sau liều 3 ít nhất 1 năm hoặc lần có thai sau; liều 5 sau liều 4 ít nhất 1 năm hoặc lần có thai sau.
Sau khi tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ cho trẻ không bị mắc UVSS, đồng thời kháng thể này cũng bảo vệ cho chính bà mẹ trong quá trình sinh đẻ không bị mắc uốn ván.
6. Vắc-xin ngừa HPV
Ngoài các mũi tiêm phòng trước khi mang thai trên, với phụ nữ dưới 26 tuổi trước khi mang thai cần tiêm thêm vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung (HPV) theo chỉ định của bác sĩ.
BS.Mỹ An – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (tổng hợp)