Tăng cường giám sát, phòng, chống nguy cơ bệnh bạch hầu

Cập nhật ngày: 15/07/2024 05:16:21

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240715051803dt2-7.mp3

 

ĐTO - Trong bối cảnh nữ sinh tỉnh Nghệ An tử vong do bệnh bạch hầu ngày 5/7 và 119 người phải cách ly khiến nhiều người dân lo lắng về nguy cơ bệnh bạch hầu lây lan, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa (CK) 2 Phan Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp về tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên (PV): Bệnh bạch hầu lây truyền như thế nào, bệnh có khả năng gây nguy hiểm cho người mắc bệnh ra sao thưa ông?


Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp

Bác sĩ CK2 Phan Thanh Tùng: Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh nhiễm vi khuẩn bạch hầu hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10%.

PV: Dấu hiệu nhận biết, triệu chứng của bệnh bạch hầu là gì?

Bác sĩ CK2 Phan Thanh Tùng: Triệu chứng của bệnh là họng đỏ, nuốt đau, sốt. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 5 ngày, cơ thể chưa có triệu chứng. Sau đó, người bệnh sẽ sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, sổ mũi; khám họng có thể thấy họng hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ... Ở giai đoạn toàn phát, bệnh biểu hiện rõ ràng với các triệu chứng điển hình như: sốt cao, nuốt đau, da xanh tái; khám họng thấy giả mạc lan tràn ở một bên hoặc hai bên amidan, có thể lan trùm cả lưỡi gà lẫn màn hầu. Người dân có biểu hiện nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế (bệnh viện) để được tư vấn, cách ly, làm xét nghiệm xác định chẩn đoán bệnh và tiến hành điều trị.

PV: Tình hình bệnh bạch hầu ở tỉnh ta, nguy cơ bùng phát bệnh ra sao?

Bác sĩ CK2 Phan Thanh Tùng: Tại Đồng Tháp, trong nhiều năm qua chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu do tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta đạt khá cao trên 95%. Tính đến 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi tại tỉnh là 46,5% (kế hoạch 47,5%).

Đến thời điểm hiện nay đã có 2 tỉnh phía Bắc có ca bệnh bạch hầu, khả năng nguy cơ mầm bệnh sẽ có thể xuất hiện trong cộng đồng, vì vậy phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu từ cộng đồng, tại các cơ sở y tế để có biện pháp cách ly, xử lý kịp thời. Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện nay chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu tại 20 tỉnh, thành phố phía Nam.

PV: Cách phòng bệnh như thế nào thưa ông?

Bác sĩ CK2 Phan Thanh Tùng: Bạch hầu được xem là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa và điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vắc-xin. Bạch hầu đã có vắc xin phòng ngừa, tiêm chủng cho trẻ ngay từ 2 tháng tuổi. Vắc-xin có hiệu lực bảo vệ đến 97% khi được tiêm đủ phác đồ, bao gồm mũi nhắc lại.


Người dân đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp tiêm ngừa bệnh bạch hầu

Trẻ dưới 2 tuổi cần tuân thủ lịch tiêm chủng cơ bản, gồm chủng ngừa vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng tuổi. 2 mũi tiêm nhắc thực hiện khi 4 - 7 tuổi và 9 - 15 tuổi. Nếu thiếu các mũi tiêm này, nguy cơ mắc bệnh bạch hầu khi trẻ lớn sẽ tăng cao.

Bên cạnh đó, mọi người nên giữ nhà cửa, nơi làm việc, học tập sạch sẽ, thông thoáng. Căn phòng cần có ánh sáng mặt trời và được vệ sinh thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn bám trên bề mặt, đồ chơi. Các biện pháp phòng bệnh khác như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người có biểu hiện bệnh.

Sông Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn