Tăng cường phòng, chống dịch sởi cho trẻ
Cập nhật ngày: 17/08/2024 05:35:33
ĐTO - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 57 trẻ mắc bệnh sốt phát ban nghi sởi, tăng 54 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tình hình dịch sởi trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên với khả năng lây lan nhanh, nguy cơ bùng phát dịch sởi trên địa bàn tỉnh thời gian tới tương đối cao nên cần tiếp tục theo dõi diễn biến, không chủ quan.
Nhiều trẻ mắc bệnh sởi
Từ đầu tháng 6 đến nay, trẻ mắc bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng, đáng chú ý tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có ca mắc sởi. Các địa phương có số ca mắc bệnh sởi cao là TP Cao Lãnh và các huyện: Lai Vung, Cao Lãnh, Thanh Bình. Trước tình trạng trẻ mắc bệnh sởi gia tăng, các cơ sở y tế trên bàn tỉnh tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh sởi nhằm xử lý kịp thời và điều trị sớm ca bệnh, hạn chế chuyển nặng và tử vong.
Bé Nguyễn Hoàng Bách (9 tháng tuổi) ngụ Ấp 2, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh mắc bệnh sởi, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Trước đó, bé có biểu hiện sốt cao, kèm nổi ban đỏ khắp người. Chị Nguyễn Trần Thiên An đưa con đi khám bệnh và bất ngờ khi bác sĩ cho biết con mình mắc bệnh sởi. Chị Nguyễn Trần Thiên An (mẹ bé Hoàng Bách) chia sẻ: “Lúc đầu bé bị sốt, tay chân nổi những mục nhỏ li ti, em đưa đi bác sĩ tư khám và ở nhà theo dõi 2 ngày. Thấy tình trạng bé nổi ban đỏ nhiều hơn nên đưa bé vào bệnh viện, đến nay đã được 5 ngày và bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh sởi. Bệnh này em có biết, nhưng do bé hay bị bệnh nên chưa kịp tiêm ngừa sởi”.
Trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp
Trường hợp bé Nguyễn Ngọc Bảo Vy (SN 2023) ngụ xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò với biểu hiện ho, sổ mũi, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp khám và nhập viện theo dõi. Sau đó, bé có thêm các dấu hiệu sốt, nổi ban đỏ, mắt đỏ có đổ ghèn do mắc bệnh sởi. Trao đổi với chúng tôi, chị Lương Hồng Huy (mẹ bé Nguyễn Ngọc Bảo Vy), cho biết: “Ở nhà bé chỉ ho, sổ mũi, em đưa bé vào bệnh viện khám và nhập viện theo dõi. Vài ngày sau, bé bị sốt, mắt đỏ đổ ghèn nhiều, sau đó nổi ban đỏ li ti... Bác sĩ chẩn đoán, bé mắc bệnh sởi. Em chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ, nay bé đỡ hơn. Bé được gần 9 tháng tuổi, do bé hay bị bệnh nên bé chưa được tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh sởi”.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, từ tháng 6 đến ngày 13/7, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 36 trẻ mắc sởi. Hiện nay, Khoa truyền nhiễm đang điều trị 6 trẻ mắc bệnh sởi. Trong đó, có nhiều bệnh nhi chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi, do chưa đến tuổi hoặc phụ huynh chưa cho con đi tiêm ngừa.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do trẻ hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ đường mũi họng của trẻ bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp thăm khám trẻ mắc bệnh sởi
Cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Tùng - Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp, cho biết: “Triệu chứng lâm sàng của bệnh sởi khi khởi phát là sốt kéo dài từ 2 - 5 ngày, kèm theo phát ban theo trình tự từ sau gáy tai, sau đó lan lên trán, vùng mặt, lan dần xuống cổ, ngực, tứ chi và có những triệu chứng viêm nang lông như: hắc hơi, chảy mũi, ho, viêm kết mạc mắt... Biến chứng nguy hiểm nhất của sởi là viêm phổi, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây tử vong. Ngoài biến chứng viêm phổi, biến chứng thường gặp là viêm tai, viêm thanh quản và thậm chí có thể viêm não... gây nguy cơ tử vong”.
Đối với trường hợp bị sởi, cách xử lý là cần phải đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, cách ly; cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ; khi trẻ sốt cao cho dùng paracetamol. Đồng thời theo dõi, phát hiện những biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai, viêm não để xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, cho trẻ uống nhiều nước quả tươi, nước lọc...; vệ sinh thân thể cho trẻ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để hạn chế các biến chứng của sởi.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Tùng, cho biết thêm: “Hiện nay, đã có vắc-xin phòng ngừa sởi, do đó, khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đến những cơ sở tiêm ngừa. Đối với những trẻ có bệnh mãn tính hoặc cơ địa suy giảm miễn dịch thì phải tiêm nhắc sởi thêm để củng cố, tăng cường miễn dịch phòng ngừa bệnh sởi”.
Các chuyên gia cảnh báo, năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4 - 5 năm/lần. Do đó, các phụ huynh chú ý cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 62%. Theo dự báo từ nay đến cuối năm, dịch sởi có khả năng tăng cao nên người dân không được chủ quan. Để biết trẻ đã được tiêm phòng sởi đủ liều, các bậc phụ huynh cần xem lại sổ tiêm chủng của trẻ, liên hệ với Trạm y tế xã, phường để tiêm cho trẻ hoặc các cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ để chủ động tiêm ngừa phòng, chống dịch bệnh sởi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, người dân chủ động tiêm vắc-xin sởi cho trẻ để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc- xin sởi. Mũi 1: tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi; mũi 2: tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Vệ sinh nhà cửa, giữ nhà cửa thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.
Ngành y tế đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi. Tuy nhiên, để phòng ngừa hiệu quả bệnh sởi, mỗi cá nhân và gia đình cần nâng cao ý thức, chủ động tiêm phòng đầy đủ cho trẻ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của ngành y tế.
Sông Ngân