Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật

Cập nhật ngày: 17/03/2024 03:51:34

ĐTO - UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật.


Ảnh minh họa

Theo đó, các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Chỉ thị số 1296/CT-BNN-TY, Công văn số 405/TY-DT ngày 22/2/2024 của Cục Thú y về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 23/7/2021 về Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 347/KH-UBND ngày 18/10/2022 về Ban hành Kế hoạch thực hiện “Chương trình Quốc gia Phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Công văn số 592/UBND-KT ngày 23/5/2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh các chương trình, kế hoạch phòng, chống bệnh dại để bảo đảm phù hợp, đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại địa phương. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật, triển khai xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên động vật; tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dại; các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh dại động vật trên các phương tiện truyền thông, nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng.

Sở Y tế xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin phòng dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Triển khai quy chế phối hợp giữa cơ quan thú y và cơ quan y tế, bảo đảm kịp thời chia sẻ thông tin bệnh dại và triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

UBND huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền để người nuôi chó, mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, mèo; không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại; thường xuyên tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là khu vực nông thôn, đối tượng trẻ em) về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; các biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại hiệu quả.

Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng. Xử lý các trường hợp vi phạm, không tuân thủ các quy định về quản lý chó, mèo nuôi, tiêm vắc xin dại cho chó, mèo, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo đúng quy định.

Rà soát và tổ chức xây dựng vùng an toàn bệnh dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, khu đông dân cư; quản lý, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn và yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.

PV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn