Tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống bệnh bạch hầu
Cập nhật ngày: 05/08/2024 16:26:46
ĐTO - Chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (viết tắt là CDC tỉnh), Trung tâm Y tế (TTYT) huyện, thành phố phối hợp các ngành, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân. Đồng thời tiếp tục triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em và tăng cường hoạt động giám sát phát hiện sớm ca nghi nhiễm tại cơ sở y tế, trong cộng đồng...
Trẻ em tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh
Theo CDC tỉnh, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người mang vi khuẩn bạch hầu, bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu là họng đỏ, nuốt đau, sốt; da xanh, mệt mỏi, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Đây là bệnh vừa gây nhiễm trùng, nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra, tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10%.
Hiện nay, các loại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu được cung cấp đầy đủ trong Chương trình TCMR, kể cả các phòng tiêm dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Nhờ thực hiện tốt Chương trình TCMR, nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành y tế tỉnh, một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện ca bệnh và có trường hợp tử vong do bạch hầu, nên nguy cơ mầm bệnh có thể xuất hiện trong cộng đồng. Chủ động phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, CDC tỉnh và TTYT huyện, thành phố tăng cường truyền thông về nguyên nhân, triệu chứng, đường lây và các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Từ tháng 7/2024 đến nay, TTYT TP Cao Lãnh, Trạm y tế xã, phường truyền thông về phòng bệnh bạch hầu cho người dân tại địa bàn, nhất là gia đình có trẻ em. Các kênh truyền thông và tài liệu hỗ trợ được cung cấp để đảm bảo thông tin đến với cộng đồng một cách đầy đủ, hiệu quả. Đến nay, TTYT TP Cao Lãnh, các Trạm y tế trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hệ thống Trạm truyền thanh; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội phụ nữ tại địa bàn; kết hợp truyền thông trong các buổi tiêm chủng...
Đến tháng 7/2024, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tại TP Cao Lãnh được tiêm đủ 3 liều vắc-xin có chứa thành phần ngừa bệnh bạch hầu đạt 53,5%, (chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2024 đề ra là 47,5%); trẻ em trên 18 tháng tuổi được tiêm đủ 4 liều vắc-xin chứa thành phần ngừa bệnh bạch hầu đạt 49,9% (chỉ tiêu đề ra là 47,5%). Công tác tiêm phòng vắc-xin tại TP Cao Lãnh đạt tỷ lệ cao, góp phần đảm bảo hiệu quả công tác phòng bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh bạch hầu đối với trẻ em chưa được tiêm phòng đủ liều, kể cả người lớn chưa có miễn dịch. “Do đó, ngành y tế TP Cao Lãnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tầm quan trọng của công tác tiêm chủng, vận động phụ huynh đưa trẻ tiêm chủng đủ liều vắc-xin, đúng thời gian, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP Cao Lãnh có nhiều điểm tiêm chủng dịch vụ, nên người lớn có thể dễ dàng đến tiêm ngừa phòng bệnh cho bản thân, gia đình” - bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc TTYT TP Cao Lãnh, cho biết.
Tại huyện Hồng Ngự, thực hiện các giải pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu, TTYT huyện tiếp tục triển khai các đợt tiêm chủng bổ sung, tiêm nhắc lại, tiêm vét vắc-xin 5 trong 1 (phòng bệnh: ho gà, uốn ván, bạch hầu, bại liệt và bệnh viêm não do HiB). Đến tháng 7/2024, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trong toàn huyện đạt hơn 53,5%. Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Lâm - Giám đốc TTYT huyện Hồng Ngự, cho biết: “Biện pháp tránh nguy cơ mắc bệnh bạch hầu hữu hiệu nhất chính là việc tiêm chủng đầy đủ vắc-xin. Do đó, ngành y tế huyện tiếp tục nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là vắc-xin 5 trong 1. Thời gian tới, TTYT huyện, Trạm y tế các xã, thị trấn rà soát và triển khai tiêm bù, tiêm vét cho trẻ (dưới 1 tuổi) chưa được tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời lập danh sách trẻ em (từ 18 - 24 tháng tuổi) cần tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu; thông báo lịch tiêm cho phụ huynh và chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, vật tư y tế cần thiết”.
Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Ân Hận - Phó Giám đốc CDC tỉnh, cho biết: “Bệnh bạch hầu được xem là bệnh nguy hiểm khi trẻ em không được tiêm phòng đầy đủ và người lớn chưa có miễn dịch. Do đó, ngành y tế khuyến cáo, các bậc cha, mẹ cần quan tâm đưa trẻ đi tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo Chương trình TCMR. Một số trường hợp cần tiêm nhắc lại có thể đến các cơ sở y tế, phòng tiêm chủng tư nhân trên địa bàn tỉnh để tiêm vắc-xin dịch vụ. Cùng với đó, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hàng ngày như: giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng. Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với mọi người và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, theo dõi và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà”.
Lê Thanh