Câu chuyện “Tư duy cái hộp đựng”
Cập nhật ngày: 20/07/2015 11:08:30
Đề cập đến “Tư duy cái hộp đựng” để nói đến khi đầu tư thường chỉ chú ý đến cái “vỏ” - công trình xây dựng - mà không chú ý đến cái “ruột” - hoạt động vận hành của công trình đó, hay cũng có thể nói chỉ lo phần “xác” mà thiếu nghĩ đến phần “hồn”. Nhìn đây đó, không khó để nhận ra nhiều công trình xây dựng rất quy mô, nhưng hoạt động thì nghèo nàn, đơn điệu, sai chức năng. Cái “vỏ” lớn thì chi phí vận hành cũng lớn: điện nước, bảo trì, sơn sửa...
Để thực hiện đạt các tiêu chí xã nông thôn mới, chúng ta đang đầu tư nhiều thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế: Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã, nhà văn hóa ấp, trường học đạt chuẩn, trạm y tế đạt chuẩn... Đó chỉ là phần “xác”, là điều kiện cần, phần “hồn” - điều kiện đủ là nội dung hoạt động thì chưa thật sự được coi trọng. Không phải là trường học mới, mà là chất lượng dạy và học. Không phải là trạm y tế mới, mà là thái độ tận tụy của người thầy thuốc. Không phải là Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, nhà văn hóa mới, mà là hoạt động văn hóa, học tập, sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Không phải là trụ sở làm việc mới, phương tiện làm việc hiện đại, mà chính là tinh thần mẫn cán, thân thiện, là nụ cười, là tiếng cám ơn, là lời xin lỗi “thật lòng”của cán bộ, công chức với người dân. Đó chính là phần “hồn”, cần thiết phải hướng tới!
Đi về cơ sở, tôi thường nghe lãnh đạo địa phương than vãn rằng, chúng tôi không có “sân chơi” cho thanh, thiếu niên, không có sân bóng, không có tụ điểm văn hóa, nên các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao không phát triển được, và thường quy kết đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên lêu lõng, càn quấy, vi phạm pháp luật. Có phải như vậy không?
Tôi có dịp cùng Đoàn trường Đại học Mở - TP.Hồ Chí Minh đến giao lưu với thanh niên và nhân dân xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh. Chỉ với vài băng ghế học sinh ghép vào nhau, trải một tấm nhựa lên, treo một cái phông là đã có một sân khấu ca hát vui vẻ, người xem hòa mình vào buổi sinh hoạt sôi động. “Sân chơi” đâu phải là công trình quy mô gì hoành tráng lắm đâu! Có thể chỉ là một bãi đất trống, có thể là sân trụ sở UBND xã, có thể là sân một ngôi trường nào đó. Chưa có sân bóng đủ tiêu chuẩn thì một khuôn viên nhỏ cũng có thể chơi bóng đá 5 - 7 người, chơi bóng chuyền, cầu lông... Mỗi khóm, ấp không quá khó để tìm ra những khuôn viên như vậy. Ở các đô thị như TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc chắc chắn không thiếu quảng trường, hoa viên để cộng đồng đến sinh hoạt, vui chơi.
Mỗi khi tổ chức các hoạt động thì trong tiềm thức chúng ta hay nghĩ đến sự hoành tráng, phải tập hợp vài trăm người. Đâu phải lúc nào cũng vậy! Sao mình không nghĩ đến việc chỉ vài chục người đã là một cuộc sinh hoạt được rồi, quy mô ít thì dễ linh hoạt, chi phí tốn kém ít hơn. Càng làm lớn thì nào là huy động người, sân khấu, phông màn, bàn ghế, mỗi thứ một chút, tốn kém ngân sách, muốn vận động tài trợ cũng khó. Đã qua rồi cái thời của những cuộc mít-tinh hàng ngàn người, hình thức, lãng phí - lãng phí kinh phí tổ chức, lãng phí thời gian của người dự. Nhìn trên truyền hình thường thấy ở các nước, tại các cuộc gặp gỡ chính khách, đôi khi chỉ vài mươi người, khách mời, đại biểu ngồi ghế một, thậm chí đứng nghe, sao mà đơn giản đến thế, nhẹ nhàng thế, gần gũi thế! Thời nay là thời của công nghệ thông tin, của các trang mạng xã hội, còn nhiều hình thức truyền thông hiệu quả hơn, nhanh hơn, tương tác hơn cơ mà!
Mình chưa có nhiều nguồn lực để đầu tư các thiết chế đủ chuẩn, hoành tráng. Khi nào khá giả hơn thì hãy tính sau. Nguồn lực thì hữu hạn nhưng nhu cầu thì vô hạn. Ông bà mình dạy: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, đây đó còn cần lắm những cây cầu kiên cố, những con đường rộng rãi, bằng phẳng, những khu vệ sinh sạch sẽ trong các ngôi trường, và còn vô vàn cái “cần” khác nữa. Suy cho cùng, vẫn có cách thức tổ chức tốt hơn nếu biết thay đổi cách nghĩ. Đó là từ bỏ tư duy chuộng “cái hộp đựng” để đưa các hoạt động đi vào thực chất, nói cách khác, là phải chú trọng chăm chút cho phần “hồn”. Mong lắm thay!
Xích Lô