“Lướt” vi vu cùng patin

Cập nhật ngày: 22/10/2012 06:40:30

Với đặc tính trẻ trung, năng động, gần đây Inline Skate (còn gọi là trượt patin nghệ thuật) trở thành môn thể thao được nhiều bạn trẻ tại thành phố Cao Lãnh chọn tập luyện để thỏa sức đam mê...


Nhiều trẻ em vui hơn, khỏe hơn khi chơi patin

Patin “hút hồn” giới trẻ

Phong trào trượt patin nở rộ tại thành phố Cao Lãnh trong thời gian hơn 1 năm nay. Có vị trí rộng, mặt sân láng, ánh đèn sáng nên khu vực Công viên Văn Miếu được nhiều bạn trẻ chọn làm địa điểm để thỏa mãn cảm giác “lướt” trên đôi chân điệu nghệ của mình. Tại đây, cứ khoảng từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối hàng ngày, khung cảnh trượt patin diễn ra vô cùng nhộn nhịp với nhiều đối tượng tham gia, trong đó phổ biến và chiếm đông đảo nhất là trẻ em độ tuổi từ 5 đến 13, ngoài ra còn có số ít học sinh THPT và sinh viên.

Đối với người chơi, patin hấp dẫn bởi nó giúp thỏa mãn nhu cầu chinh phục tốc độ, có được cảm giác mạnh khi thực hiện các kỹ thuật đặc biệt, đồng thời đem lại sự phấn khích như đang “bay” vi vu trong không khí. Tuy có thể đối mặt với tai nạn, thương tích, nhưng đối với những người mê trượt patin, chấn thương là chuyện bình thường. Bạn Nguyễn Hùng Phúc (sinh năm 1990) - học viên Trung tâm Giới thiệu Việc làm Đồng Tháp kể: “Thấy anh họ ở thành phố chơi môn này hay quá nên em tập chơi. Mới đầu tập trượt patin bị té ê ẩm cả người, xước đầu gối, cùi tay... Cứ ngã rồi lại đứng lên đi tiếp. Vài bữa đi quen thấy thích, rồi mê luôn từ đó. Từ khi chơi patin, em thấy mình khỏe hẳn lên”.

Hùng Phúc là một trong những người có công giúp cho phong trào patin phát triển trong giới trẻ thành phố Cao Lãnh như hiện nay. Cách nay hơn 1 năm, Phúc và một vài người bạn trẻ khác mua giầy patin trượt tại Công viên Văn Miếu. Thấy nhóm của Phúc chơi patin hay, nhiều học sinh thế hệ 10X thích rồi tập luyện theo, dần dần đông đúc như hôm nay. Em Đinh Tấn Tài (10 tuổi) ở phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh cho biết: “Thấy các anh chị chơi patin hay quá, về nhà năn nỉ mẹ mua cho em đôi giầy trượt 650 ngàn đồng để tập. Mới đầu em giữ thăng bằng không được nên cứ té ngã hoài, từ từ đi được thích lắm. Giờ, ngày nào không ra đây trượt patin là buồn lắm”. Còn em Nguyễn Văn Phù Đổng (13 tuổi) học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Minh Trí, huyện Cao Lãnh bày tỏ: “Lúc đầu em thấy sợ nhưng chơi được rồi thì thích lắm. Tranh thủ buổi chiều học bài xong là em ra đây chơi liền. Tập môn này về nhà ngủ ngon lắm. Không riêng gì em các bạn khác cũng nói vậy”. Trao đổi được vài câu, Phù Đổng lao đi vun vút và không quên phô diễn các kỹ thuật “trượt lùi” khá điệu nghệ.

Theo những người trượt patin thành thạo như Hùng Phúc, để trượt patin an toàn và điêu luyện, đòi hỏi người mới bắt đầu làm quen phải tập giữ thăng bằng trên giầy trượt, phải biết giữ tốc độ khi di chuyển, đồng thời phải biết phối hợp nhịp nhàng giữa tay, chân, đầu gối, mắt và tư thế của thân để có động tác trượt đẹp. Khi đã qua bước cơ bản, từ từ tập các động tác khó như: trượt lùi, trượt qua các dốc lên - xuống, nhảy lên bậc cao hay vượt qua các chướng ngại vật... Để chơi patin giỏi, người chơi ngoài năng khiếu còn phải thường xuyên kiên trì tập luyện.

Những điều chưa biết về patin

Patin là một môn thể thao nghệ thuật xuất phát từ phương Tây và bắt đầu du nhập vào Việt Nam qua các du học sinh. Môn này được thể hiện bằng những động tác biểu diễn hết sức kỹ thuật qua đôi giày 8 bánh (hoặc ít hơn). Patin được chia làm nhiều thể loại, mỗi thể loại đều có những yêu cầu đặc trưng khác nhau như: slalom, slide, aggressive, racing, downhill,... Trong đó, thể loại slalom người chơi phải dẻo luồng lách qua những chiếc cốc được đặt theo khoảng cách nhất định nhưng cốc vẫn nguyên vị trí ban đầu. Đối với slide, người chơi phải chạy tốc độ rồi đột ngột dừng lại kết hợp với những động tác bằng tay hoặc bằng chân đẹp mắt. Nguy hiểm nhất là aggressive, là thể loại dành cho người thích cảm giác mạnh với các động tác nhảy cao vượt chướng ngại vật, vượt hàng rào...

Muốn chơi được patin, điều quan trọng là người chơi phải có đôi giầy trượt. Tuy nhiên, giá của nó không hề rẻ. Tại thành phố Cao Lãnh, muốn sở hữu một đôi giầy trượt, người chơi phải chi từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, có đôi trị giá hàng triệu đồng. Ngoài ra muốn được an toàn, người chơi patin phải trang bị thêm các phụ kiện như: mũ bảo hiểm, găng tay bảo vệ, miếng bảo vệ đầu gối, cùi tay... Những phụ kiện này cũng không hề rẻ. Vì thế, không phải bất cứ ai cũng có thể sắm cho bản thân hoặc con em mình một đôi giầy trượt và các phụ kiện để chơi patin. Người chơi patin hiện nay hầu hết là con em của các gia đình khá giả.

Patin là môn thể thao lành mạnh và bổ ích giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, năng động và dạn dĩ hơn. Tuy nhiên, do không được trang bị các phụ kiện bảo vệ cơ thể, nhiều trường hợp trẻ em khi chơi patin thường hay xảy ra tai nạn như: gãy tay, chấn thương đầu, trầy xước tay chân... Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chơi patin đùa giỡn dưới lòng đường, hè phố rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, cần lưu ý khi “lướt” vi vu cùng patin.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn