“Về chốn bình yên” và lòng nhân hậu của võ sư lục đẳng Judo
Cập nhật ngày: 02/03/2020 10:17:19
“Về chốn bình yên” là tự truyện của võ sư lục đẳng Judo Lê Thanh Vĩnh (Sa Đéc –Đồng Tháp)- người đã làm chấn động làng thể thao Việt Nam khi vừa đưa đội tuyển Judo Việt Nam đăng quang tại Sea Games 22 với kỷ lục 13 huy chương, đã làm đơn “treo ấn từ quan”.
Không chỉ là biên niên sử Judo
Sách dày 318 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2019, gồm 17 chương được minh họa nhiều hình ảnh mang tính lịch sử. Trước hết, “Về chốn bình yên” là bản ghi chép sống động về một phần biên niên sử của Judo Việt Nam từ thời mới du nhập đến nay. Bởi không chỉ là môn sinh “đời đầu” của Viện Nhu đạo Quang Trung- nơi đầu tiên tổ chức dạy môn võ thuật có nguồn gốc từ đất nước Phù Tang, ông còn là thành viên đội tuyển Quốc gia, là người khai sinh Judo Bình Dương (năm 1969), Đồng Tháp (năm 1993). Khi được chọn làm Huấn luyện viên Judo đội tuyển Quốc gia, ngay lần đầu cầm quân, ông đã đưa Judo Việt Nam bước lên thứ hạng cao nhất tại Sea Games 22 với kỷ lục 13 huy chương. Tuy nhiên, ẩn sâu đằng sau những bước đường võ thuật, với đầy ắp những “hỉ nộ, ái ố” của cuộc đời đầy cơ cực là ánh sáng về chí vươn lên của người con xứ Huế. Ông sinh 1945, trong gia đình nghèo trên Phá Tam Giang (Huế). Ý chí vươn lên đã thôi thúc ông tìm đường vào Sài Gòn lập nghiệp (năm 1963) với hai bàn tay trắng. Để tồn tại nơi đất lạ, ông phải làm đủ thứ nghề để nuôi thân và đeo đuổi việc học. Ông hiếu học và học nhiều ngành, từ hội họa, thư pháp cho đến võ thuật. Và ở môn nào ông cũng có dấu ấn riêng. Không chỉ viết báo, làm thơ, viết thư pháp, vẽ tranh, ông còn giỏi võ... Vì vậy đọc “Về chốn bình yên”, chúng ta không chỉ biết về một con người, mà thông qua bút pháp sinh động, lối hành văn mềm mại như chính môn nhu đạo... còn hiểu nhiều hơn về cả một thời ông đã sống. Tuy nhiên, điều mà chắc chắn người đọc nào cũng cảm phục và cảm động ở “Về chốn bình yên” chính là những suy nghĩ, triết lý thiện lương của người võ. Trong Chương 6, viết về “Trận đấu khó quên” với tuyển thủ Nguyễn Xuân Kháng - người bạn cùng học tại Viện Nhu đạo Quang Trung, ông viết: “Kháng với tôi cùng học một thầy, cùng vào trường một khóa, có những lúc Kháng mời tôi về ở nhà anh, hai đứa ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu. Tôi không đủ can đảm lợi dụng lúc Kháng đang chấn thương để mang chiến thắng về cho mình...”. Vì tình cảm đó, ông Vĩnh đã không tung ra đòn quyết định... để rồi bị đối phương phản đòn, nhận lấy cái thua. Sau đó, ông Vĩnh bị triển trách nặng, nhưng cái thua của ông đã để lại cho chúng ta hôm nay biết bao bài học “chiến thắng chính mình” trong xử thế với đồng đội, đồng nghiệp...
Viết sách để làm từ thiện
Ngoài ý nghĩa ôn lại hành trình vươn lên hoàn cảnh nghèo khó với mong muốn truyền lửa, tạo niềm tin cho người trẻ vững bước tiến thân, lập nghiệp... ông còn hướng tới mục tiêu: Chia sẻ với học trò nghèo như hơn nửa thế kỷ trước ông từng được nhiều nhà hảo tâm cưu mang, giúp đỡ, bằng cách tặng sách “Về chốn bình yên” cho các tổ chức bán lấy tiền hỗ trợ học trò nghèo. Có thể, giá trị quà tặng của ông không “bằng chị bằng em”, nhưng nếu hiểu gia cảnh của ông, nhìn cái cách ông làm, tấm lòng ông san sẻ thì thật đáng trân trọng và nể phục... Do những trục trặc trong thủ tục hành chính, sau gần 20 công tác trong ngành thể thao Đồng Tháp, ông Vĩnh về hưu mà không có... lương hưu. Mọi chi tiêu, ông chỉ biết trông cậy vào sự chu cấp của con cái. Vì vậy, dù cháy bỏng mơ ước công bố tự truyện, nhưng sợ con nặng gánh lo, ông không dám lộ ý nghĩ. Sau thời gian dài tiện tặn, ông tích cóp được khoản tiền... Thế là người con xứ Huế cho in quyển tự truyện ở tuổi 75 (sinh năm 1945). Biết gia cảnh ông, nhiều người khuyên nên bán toàn bộ để thu hồi vốn, nhưng ông vẫn chừa một lượng sách để hỗ trợ cho học sinh nghèo. “Ngày xưa nghèo khó, tôi lang bạt khắp nơi mưu sinh, nơi nào cũng nặng tình, nặng nghĩa. Do vậy, tôi muốn chia sẻ chút lòng... - ông Vĩnh chia sẻ. Đầu tiên ông trao sách cho nhóm “Môtô học bổng”- nơi tập hợp những người cầm bút thường xuyên giúp học trò nghèo. Sau đó, ông liên lạc với các ân nhân xưa để chuyển sách bán góp quỹ hỗ trợ học trò nghèo. Do kinh tế eo hẹp, mỗi nơi ông chỉ tặng vài mươi quyển, nhưng đáng trân trọng hơn là ông luôn còn tìm cách để nâng mức hỗ trợ cao hơn giá trị sách. Khi biết một số nhà hảo tâm đồng ý đóng góp nhiều tiền chỉ mới mong muốn sở hữu quyển tự truyện có chữ ký của tác giả, nhóm “Môtô học bổng” có phần ngại ngần vì lo ông đã có tuổi. Nhưng ông đã chủ động liên lạc rồi trực tiếp đóng gói từng quyển trước khi gởi đến đúng địa chỉ từng người. Biết được điều này, nhiều người ở Đồng Tháp không hề ngạc nhiên. Bởi họ đã quá thân quen với cách làm từ thiện đến “vét túi” của ông... Năm 1999, sau khi phát hiện Nguyễn Thị Như Ý bị bộ môn điền kinh “thanh ký hợp đồng” vì hết tuổi năng khiếu mà chưa phát huy được sở trường. Gia cảnh khó khăn, sau khi không còn luyện tập, Như Ý ra chợ Sa Đéc buôn bán vặt kiếm sống.... Bằng con mắt nhà nghề, ông nhìn thấy tố chất Judo tiềm ẩn của một tài năng, ông mời Như Ý về tập. Để động viên, ngoài việc vét túi cho tiền uống nước, thầy nghèo dành bộ võ phục đang mặc tặng trò nghèo. Sau đó, biết nhà học trò ở xa, ông tiếp tục lấy chiếc xe đạp của con trai đang học hàng ngày tặng cho Như Ý làm chân để chuyên tâm luyện tập. Nghĩa cử này không chỉ giúp học trò vượt khó, gắn bó với nghiệp mới, mà còn giúp cho Judo Việt Nam có được “cô gái vàng”. Bởi chỉ tính riêng sân chơi SEA Games, cô gái của Làng hoa Sa Đéc đã mang về cho Tổ quốc 5 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc...
Lục Tùng