Chuyện nghịch lý của bóng đá Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 25/03/2021 09:44:17
ĐTO - Chứng kiến đội bóng đá Đồng Tháp (ĐT) rớt xuống thi đấu ở giải hạng Nhì, kéo theo sự thất vọng về một thương hiệu ĐT từng là lá cờ đầu của cả nước, gần đây, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về hình ảnh hào hùng một thời của bóng đá Đất Sen hồng... Vậy đâu là nguyên nhân làm cho bóng đá ĐT tụt lại phía sau?.
“Chảo lửa thánh địa Cao Lãnh” và Cổ động viên DFC mùa giải V.League 2015
Câu chuyện mô hình quản lý bóng đá
Thập niên 90 phong trào bóng đá ĐT phát triển rộng khắp. Hàng năm, ngoài đội tuyển ĐT thi đấu ở hạng A1, đội Hồng Ngự hạng A2, đội Tỉnh đội và Tam Nông thay nhau đại diện thi đấu ở giải hạng B toàn quốc. Từ thực trạng trên, để thống nhất quan điểm đầu tư, quản lý bóng đá hiệu quả, Câu lạc bộ (CLB) bóng đá ĐT ra đời. Với tư cách là đơn vị sự nghiệp nhưng CLB ĐT thống nhất tầm nhìn chỉ đạo và hệ thống quản lý từ cấp độ đội tuyển đến các đội trẻ hoạt động gắn bó, tương tác kế thừa hiệu quả. Thành tích bóng đá ĐT 2 lần vô địch Quốc gia và đại diện Việt Nam tham dự Cúp C1 Châu Á năm 1997. Nhiều địa phương tìm đến ĐT tham quan học tập cách làm bóng đá...
Đầu những năm 2000, trước xu thế xã hội hóa thể thao và bóng đá chuyên nghiệp, CLB bóng đá ĐT gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính ảnh hưởng lớn đến thành tích thi đấu... Năm 2008, CLB bóng đá sau khi trở lại hạng V.League với sự hợp tác từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, sự quan tâm quảng cáo từ các doanh nghiệp trong tỉnh. Công ty TNHH Bóng đá ĐT kế thừa phát huy được mô hình quản lý khép kín đáp ứng kịp thời cầu thủ trẻ tài năng kế thừa cho đội tuyển ĐT và Quốc gia. Năm 2014, khi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không thể tiếp tục tài trợ cho bóng đá, Công ty TNHH Bóng đá ĐT phá sản. Nhưng bằng sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Công ty Cổ phần Phát triển Bóng đá ĐT (DFC) được thành lập với kỳ vọng huy động được các doanh nhân, doanh nghiệp chung tay giúp sức “cứu” bóng đá ĐT. Tuy nhiên, bóng đá ĐT không thể vực dậy mà phải xuống thi đấu hạng Nhất năm 2016 và xuống hạng Nhì từ năm 2021, làm giảm lòng tin nơi người hâm mộ.
Thách thức hiện nay khi mô hình quản lý với nhiều bất cập trong phối hợp chuyên môn, bởi các mục tiêu, nguồn lực đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ thuộc về quản lý của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong khi, DFC chỉ quản lý đội tuyển với tham vọng kinh doanh bóng đá, tạo nguồn thu. Khi mục tiêu đào tạo tài năng kế thừa không gắn với nhu cầu sử dụng của DFC và vấn đề quyền sở hữu cầu thủ có chuyên môn tốt giữa hai bên chưa được hai bên làm rõ thì phát sinh những mâu thuẫn về mục tiêu, quyền lợi... Do đó, cần có giải pháp xem xét lại mô hình quản lý bóng đá tỉnh nhà hiện nay.
Câu chuyện “lò” đào tạo tài năng
ĐT từng được xem là mỏ vàng nhân tài bóng đá của cả nước, hàng loạt các thế hệ tài năng Quốc gia như: Công Minh, Quốc Cường; Quang Trãi, Trung Vĩnh; Thanh Bình, Tấn Trường... Có thời điểm khi nói về thủ môn đội tuyển Quốc gia kể cả nam và nữ, người hâm mộ nghĩ ngay đến lò đào tạo ĐT với Tấn Trường, Kiều Trinh hay Bửu Ngọc, Sơn Hải... Nhưng trước sự khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp và điều kiện tài chính có hạn, nên DFC khó giữ chân được những cầu thủ tinh tú nhất và nguồn lực tài năng chảy máu liên tục diễn ra.
Thực tế khi mô hình quản lý bóng đá không còn thống nhất các mục tiêu về định hướng giữa DFC và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao, thì bóng đá khó có thể phát triển đỉnh cao về thành tích và cung cấp tài năng Quốc gia. Vì nếu DFC là thương hiệu sáng giá thì sẽ là động lực giúp các cầu thủ tài năng trẻ ĐT phấn đấu được khoác áo đội tuyển như trường hợp hiện nay của Công Minh, Hoàng Duy, Thanh Huy. Họ từng là thành viên đội U19, U20 Quốc gia nhưng phải tham dự giải hạng Nhì, hạng Ba là điều bất cập.
Như vậy, mối quan hệ giữa CLB gắn phương thức đào tạo tài năng bóng đá trẻ là thống nhất không thể tách rời và nhiệm vụ là phải hướng đến bóng đá thành tích cao mang tính chuyên nghiệp. Đồng thời trước xu thế hợp tác với các học viện, CLB tiên tiến ở nước ngoài để hội nhập bóng đá hiện đại, việc kiến nghị thành lập Trung tâm đào tạo tài năng bóng đá trẻ ĐT để bước đầu thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, gìn giữ giá trị truyền thống. Mô hình này cũng là “bầu sữa” tiếp sức từ ngân sách nhằm quản lý, đào tạo tài năng bóng đá có hiệu quả; từng bước mời gọi nhà tài trợ “chống lưng” cho CLB bóng đá chuyên nghiệp, đáp ứng mong mỏi chính đáng của người hâm mộ.
TRƯỜNG THƯ