Lê Thanh Vĩnh - Con người tài hoa cả văn lẫn võ
Cập nhật ngày: 24/08/2017 13:38:07
Lần đầu cầm quân đã gặt hái 13 huy chương tại đấu trường khu vực, một cây bút với 10 năm làm tổng biên tập tờ báo thể thao theo nguyên tắc tự thu chi, là họa sĩ... Con người tài hoa cả văn lẫn võ đó là võ sư Lê Thanh Vĩnh ngụ phường 1, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Võ sư Lê Thanh Vĩnh (đứng bên phải) đang huấn luyện cô gái vàng Judo Nguyễn Thị Như Ý
Từ tài hoa võ...
Năm nay, ông Lê Thanh Vĩnh đã bước qua tuổi 70 nhưng vẫn đầy gân guốc, vẫn miệt mài trên võ đường, như đang thách thức với thời gian. Với phẩm “lục đẳng”, ông được xem như một trong những người có “đai” Judo cao ở Việt Nam, và ông cũng sở hữu nghiệp võ khó ai bì kịp: vừa là tuyển thủ Quốc gia, vừa là Huấn luyện viên Quốc gia với thành tích kỷ lục chưa ai xô đổ được: mang về 13 huy chương khu vực ngay năm đầu nắm quyền huấn luyện đội tuyển Judo Quốc gia.
Chuyện bắt đầu vào năm 1963, chàng trai 18 tuổi xứ Huế khăn gói vào Sài Gòn học nghề. Rồi như duyên số, năm 1964, nhà sư Thích Tâm Giác (1917-1973) lập Viện Nhu đạo Quang Trung, dạy Judo gần ngay nơi ông ở trọ. Thấy người đến đây tập ra về với phong thái “nho nhã”, ông đăng ký học vì tò mò, nhưng không ngờ đó là giờ phút bắt đầu cho hành trình gắn với nghiệp võ đến trọn đời của ông... S
au thời gian luyện tập, ông lọt vào “mắt xanh” của vị Viện trưởng. Được thầy tận tình truyền đạt những “bí kíp” cộng với năng khiếu bẩm sinh, sau chưa đầy 3 năm làm quen và luyện tập, ông được chính thức bước vào đội tuyển Judo miền Nam Việt Nam (1967-1969). Cũng nhờ vậy mà ông có điều kiện tiếp cận và luyện tập với nhiều huấn luyện viên (HLV) đến từ các cường quốc Judo thế giới. Và từ những trận tỉ thí này, ông lại nhận ra sự khác biệt lớn giữa Judo “luyện tập” chủ yếu là rèn thân, rèn tính với Judo thi đấu đỉnh cao sẵn sàng hạ đối thủ.
Sau thời gian mày mò, khổ luyện với những thăng - trầm, đong đầy buồn - vui..., ông Vĩnh bước đầu tìm thấy cho mình hướng đi mới và quyết định về Bình Dương mở võ đường để truyền đạt lại những điều tâm đắc đó. Tuy nhiên, không bao lâu sau, đất nước thống nhất, các lò võ tạm đóng cửa, ông Vĩnh lại nặng nghĩa phu thê nên về quê vợ ở Đồng Tháp làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Nhưng dù là giăng câu, bắt ốc hay tưới rẫy, trồng cây... ông vẫn bền lòng với Judo. Hằng đêm, ông chong đèn dầu đọc, nghiên cứu và viết những điều tâm huyết về môn võ cổ truyền của đất nước Phù Tang.
Vì vậy, năm 1984, khi ngành thể thao cần HLV Judo, ông là người đầu tiên và duy nhất đáp ứng được nhu cầu khai sinh và xốc dậy phong trào Judo từ con số 0. Ông Sáu Thành (tức Phạm Ngọc Thành) - Giám đốc Sở Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh Đồng Tháp lúc bấy giờ, nhớ lại: “Lúc đó chỉ có căn phòng rộng 80m2 trong sân vận động TX.Sa Đéc, nhiều người đến thử việc, thấy phòng trống rỗng, đã từ chối khéo, nhưng khi anh Vĩnh đến thì nói ngay: Anh cấp cho tôi trấu và tấm bạt...”. Hì hục trải trấu ra nền rồi tẩn mẩn che bạt lên trên, ông Vĩnh khai sinh phòng luyện tập Judo đầu tiên của Đồng Tháp. Nhưng từ căn phòng đơn sơ này, ông Vĩnh đã làm chấn động giới Judo cả nước khi 2 học trò “chân đất” là Kiều Hạnh và Ngọc Hùng đoạt huy chương vàng (HCV) tại Giải vô địch trẻ toàn quốc tổ chức tại Cần Thơ (năm 1998). 2 năm sau, ông tiếp tục đưa Đồng Tháp trở thành “hiện tượng” tại Cúp Câu lạc bộ Judo mạnh toàn quốc lần I tại Bình Thuận khi giành hạng nhất toàn đoàn. Nhưng ấn tượng nhất là việc ông đưa Judo Việt Nam lên tầm khu vực khi mang về cho Tổ quốc 6 HCV, 1 HCB, 6 HCĐ ngay trong lần đầu làm HLV trưởng Quốc gia dự SEA Games 22 tổ chức vào năm 2003 tại Việt Nam.
Điều khiến nhiều người nhớ đến ông như “tượng đài” của Judo Việt Nam chính là đôi mắt tinh tường nhận ra “ngọc trong đá” và quyết tâm rèn giũa, biến “đá” thành “ngọc”, bất chấp những quy định của cơ chế hành chính chưa phù hợp. Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Như Ý. Theo cơ chế hành chính lúc bấy giờ, Như Ý không đủ chuẩn để hưởng chế độ bồi dưỡng, mà nhà Như Ý lại rất khó khăn không thể tự trang trải. Chuyện tưởng như rơi vào bế tắt thì ông lại ra tay nghĩa hiệp bằng cách xuất tiền túi cho Như Ý bồi dưỡng và tặng luôn chiếc xe đạp để em làm “chân” đi tập Judo. Ông còn đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Judo: áp dụng giáo án “đốt cháy giai đoạn”. “Thấy Như Ý hội tụ đủ các yếu tố tự nhiên, tôi quyết định bỏ qua các bước căn bản, đi thẳng vào các đòn biến thế...”, ông Vĩnh bồi hồi nhớ lại quyết định táo bạo của mình. Và thực tế chưa đầy 1 năm làm quen Judo, Như Ý đã giành HCĐ hạng 63kg nữ Giải vô địch Quốc gia tổ chức tại Cần Thơ, mở đầu cho chiến tích vang dội sau này: chủ nhân của 5 chiếc huy chương trong 5 lần tham dự SEA Games.
Đến cả văn...
Không như phần đông người chơi thể thao, nhất là người luyện võ... rất ngại cầm bút theo hàm nghĩa viết lách, sáng tác chuyên nghiệp..., vị võ sư Lê Thanh Vĩnh có văn nghiệp rất sớm và đa dạng mà có lẽ trước và sau ông nhiều năm cũng khó tìm được người thứ 2. Bởi ngoài khả năng viết, làm Tổng biên tập tờ báo chuyên ngành thể thao trong nhiều năm liền, ông còn là họa sĩ rất độc đáo, cây thư pháp tên tuổi. Chưa đầy 3 năm sau khi làm quen với Judo, ở tuổi 21, ông đã cho xuất bản tác phẩm “Judo - Phương pháp ôn đòn” (NXB Đời Mới-1966).
Võ sư Lê Thanh Vĩnh đang viết thư pháp
Sau đó, ông còn tự tay viết và vẽ minh họa hàng chục tác phẩm võ thuật khác như: “Judo - Liên phản đòn”, “Căn bản Judo”, “Judo - Kỹ thuật thi lên đai đen từ 1 đến 4 đẳng”, “Biến thế Judo”... Thậm chí ở tuổi 70, ông vừa hoàn thành tác phẩm “Judo thành tích cao”. Ngay khi còn ở dạng bản thảo, quyển sách này đã được ông Lý Đại Nghĩa - Tổng thư ký Liên đoàn Judo Đông Nam Á đánh giá rất cao: “Đây là tài liệu quý giá, giúp cho HLV, vận động viên cấp cao và các môn sinh luyện tập Judo”.
Điều đáng nói là ông đã “cả gan” đứng ra xin lập báo “Bóng đá Đồng Tháp” để trước là tăng tiếng nói về bóng đá Đồng Tháp trên diễn đàn báo chí, sau là tăng thêm thu nhập cho cơ quan Sở TDTT tỉnh Đồng Tháp.
Ông Phạm Ngọc Thành nhớ lại: Khi nghe anh Vĩnh đến trình bày nguyện vọng muốn thành lập tờ báo mà không cần xin bất cứ cái gì, tôi lấy làm lạ, nhưng vì biết tính của anh Vĩnh hễ nói là làm và làm cho kỳ được nên tôi tin”. Thế là tòa soạn không sử dụng tiền bạc, trụ sở từ ngân sách nhà nước ra đời ngay thời điểm... bao cấp. Bằng cái duyên ngoại giao, ông Vĩnh đã tiếp cận và được nhóm các cây bút thể thao “đình đám” lúc bấy giờ như: Hồ Nguyễn, Minh Hùng, Quang Tuyến... nhiệt tình ủng hộ. Thậm chí nhà báo Hồ Nguyễn còn lấy ngay nhà riêng của mình làm điểm nhận bài vở cộng tác và tổ chức biên tập, trình bày cho ông Vĩnh. Tuy chỉ phát hành khoảng 15-20 ngàn tờ/kỳ, nhưng tờ báo vẫn có lãi để Công đoàn cơ quan Sở TDTT Đồng Tháp có nguồn hỗ trợ thêm cho nhân viên toàn cơ quan. Tiếc là sau khi xác nhập ngành thể thao - văn hóa, tờ báo 10 năm tuổi này không còn tồn tại.
Báo “chết”, người cũng hết tuổi lao động, nhưng ông Vĩnh vẫn không chấp nhận ngừng bút. Thậm chí có đồng nghiệp còn ví von ông gắn bó với nghiệp viết như thứ “đạo” mà sự kiện ra đời của tác phẩm “66 năm bóng đá Đồng Tháp” (1944-2010) là minh chứng.
Đã nghỉ hưu hơn 7 năm, nhưng trong một lần trò chuyện với bạn thể thao, được nghe kể về cuộc đời như huyền thoại của Cao Hoài Cúi - người con của đất Sa Đéc, từng được mệnh danh là “túc cầu tầm cỡ quốc tế” vào những năm đầu thế kỷ XX, ông bật lên ý tưởng làm quyển sách ghi nhận thành tựu bóng đá Đồng Tháp.
Bằng tất cả tâm huyết, ông bỏ công đến gặp lãnh đạo rồi tranh thủ sự ủng hộ của từng người, từng người một. Sau đó, cặm cụi thu thập tư liệu, viết rồi xóa, xóa rồi viết suốt gần 20 tháng để hoàn thành tác phẩm 120 trang gồm 10 chương với kết cấu bố cục, trình bày hợp lý, hấp dẫn... dù trước đó được biết chính xác “nhuận bút” chỉ là khoản hỗ trợ xăng xe. Thậm chí ngay cả tên sách “66 năm bóng đá Đồng Tháp” cũng được ông tính toán để gắn liền với con số 66 quen thuộc của biển số xe tỉnh Đồng Tháp. Làm không quan tâm đến tiền, nhưng sau khi hoàn thành bản thảo, ông lại chạy vạy khắp nơi xin tiền in sách để biếu. Và đứa con tinh thần của ông được đánh giá như “kho tư liệu cho người hâm mộ, người làm công tác quản lý và những người làm báo thể thao” (lời ông Sáu Thành - nguyên Giám đốc Sở TDTT tỉnh Đồng Tháp).
Vài năm gần đây, nhiều người còn biết đến ông qua khả năng “cầm cọ” với năng lực mới: Vẽ tranh và thư pháp. Ngôi nhà nhỏ của ông ở TP.Sa Đéc được nhiều người ví như phòng trưng bày nghệ thuật không đụng hàng. Bởi ngoài việc mở những lớp thư pháp cho học viên từ nhiều tỉnh đến thọ giáo, nơi đây còn trưng bày nhiều tác phẩm đẹp do chính ông sáng tác cả bằng mực tàu lẫn dầu.
Bút pháp của ông vừa có nét mềm mại, uyển chuyển của sự tài hoa, vừa có sự cương quyết, đanh và rắn của con nhà võ và 2 yếu tố tưởng chừng như trái ngược nhau này, dưới bàn tay của ông lại trở nên hài hòa, nhịp nhàng như một khối thống nhất, không thể tách rời mà chuyện lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thường xuyên đặt hàng ông để làm quà biếu cao cấp là minh chứng cho sự thành công này. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập, ông chỉ nhỏ nhẹ cười hiền: “À, đầu tiên mình từ Huế vào Sài Gòn để học hội họa nên có biết đôi chút...”. Ông quả là một con người tài hoa cả văn lẫn võ.
TÙNG - CHINH