Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long lần I:
Nâng tầm quy mô, tăng sức hút lễ hội Oóc om bóc
Cập nhật ngày: 20/11/2013 04:25:17
Trong lần đầu tiên tổ chức, Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Sóc Trăng lần thứ nhất, năm 2013 (gọi tắt là Festival Đua ghe Ngo năm 2013) đã diễn ra trang trọng, hoành tráng và đầy thu hút.
Số lượng ghe và vận động viên đăng ký Giải Đua ghe Ngo đông kỷ lục
Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, Sóc Trăng trở nên nhộn nhịp với lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo. Đây là một trong những sự kiện văn hóa thể hiện đậm nét loại hình văn hóa dân gian, đời sống tâm linh và nhân văn sâu sắc, sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân tộc Khmer cần được tôn vinh, gìn giữ và phát huy. Khác với những lần trước, năm nay lễ hội được nâng tầm thành Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL và thời gian kéo dài trong 4 ngày (từ 14 đến 17/11), nên thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham dự. Không chỉ đồng bào Khmer, khi lễ hội diễn ra, các dân tộc Hoa, Kinh cũng tề tựu về đây hòa cùng niềm vui, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của 3 dân tộc anh em. Không những thế, Festival còn đón hàng ngàn lượt khách quốc tế đến tham quan, mua sắm và chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng và cả Nam bộ nói chung.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức, trong những ngày diễn ra Festival, Sóc Trăng đã đón trên 500 ngàn lượt khách, trong đó có trên 1.000 lượt du khách nước ngoài về dự lễ. Ông Mai Khương - Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban Tổ chức Festival Đua ghe Ngo khẳng định: “Đây là sự kiện thu hút người dân, các đồng bào dân tộc và du khách đến với tỉnh Sóc Trăng đông đảo nhất từ trước đến nay”.
Riêng người dân địa phương, lần đầu tiên dự một lễ hội hoành tráng, quy mô nhưng không kém phần trang trọng này, ai cũng đều phấn khởi. Chú Danh Phi Rinh ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết: “Lễ hội Oóc om bóc được nâng tầm Festival không chỉ tôi mà tất cả bà con Khmer đều vui mừng. Lễ hội năm nay được tổ chức lớn hơn mọi năm, người tham dự lễ cũng đông hơn. Đến với Festival lần này, tôi cảm thấy phấn khởi và thích thú khi được tham quan hội chợ triển lãm và xem hội thi trang phục các dân tộc”.
Với anh Thạch Sang ngụ xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng thì khi được nâng tầm Festival, thời gian tổ chức lễ hội kéo dài, người dân có điều kiện vui chơi, giải trí và tham gia nhiều hoạt động. Hy vọng, lễ hội sẽ được duy trì tổ chức hằng năm và tiếp tục phát triển lớn hơn nữa, để qua đó gìn giữ nét truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer nói chung.
Có thể nói, khi được nâng tầm Festival, Lễ hội Oóc om bóc được diễn ra với quy mô hoành tráng hơn cùng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Có thể kể đến một số chương trình đặc sắc mang đậm nét văn hóa của người dân Khmer như: Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ; Hội thi thả Đèn nước (Lôi Prôtip) hay Lễ cúng trăng Oóc om bóc. Song song đó, Hội chợ Thương mại và Triển lãm và Triển lãm ảnh Sóc Trăng xưa cũng được tổ chức nhằm mục đích quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị thương mại và trưng bày, triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của Sóc Trăng, cũng như các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh, Festival còn có nhiều hoạt động tạo sân chơi và thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer như: Hội thi trang phục ba dân tộc; Hội thi ẩm thực 3 dân tộc và Hội thao dân tộc...
Điểm nhấn quan trọng của Festival lần đầu tiên này là Giải Đua ghe Ngo năm 2013 - một hoạt động truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer, là điều kiện tốt để đội ghe Ngo các tỉnh trong khu vực có dịp giao lưu, thi đấu đem thành tích cao nhất cho địa phương mình. Với tầm vóc khu vực và quốc gia, Giải Đua ghe Ngo trong khuôn khổ Festival năm nay có số lượng vận động viên (VĐV) và số ghe tham dự nhiều nhất từ trước đến nay. Giải thu hút 6.200 VĐV (1.300 nữ) thuộc 62 đội ghe (13 đội ghe nữ) đăng ký tham dự. Trong đó, hơn 1.500 VĐV (gần 600 nữ) đến từ các tỉnh: Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long và các đội ghe trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng góp mặt với gần 4.700 VĐV. Xác định rõ quy mô cũng như tính cạnh tranh quyết liệt của giải đấu mang tầm Festival, các đội đua đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng và thi đấu với quyết tâm cao. Anh Nguyễn Văn Thắng - HLV đội đua ghe Ngo nam huyện Càng Long (Trà Vinh) cho hay: “Trên cơ sở những tay chèo đạt thành tích xuất sắc của các năm trước, năm nay chúng tôi tiếp tục giữ lại làm thành phần nòng cốt. Bên cạnh còn bổ sung một số VĐV trẻ có kỹ thuật tốt. Để chuẩn bị cho giải, đội đã duy trì tập luyện trong suốt hơn một tháng trước ngày khai cuộc nhằm hoàn thiện các kỹ, chiến thuật và giúp các thành viên trong đội phối hợp nhịp nhàng”. Còn anh Thạch Phước Thiện - HLV đội ghe nam Pô ThiPrứk nhận xét: “Giải đấu năm nay các đội tham dự với lực lượng mạnh hơn, đồng đều hơn. Các đội đều cho thấy sự chuẩn bị tốt khi thi đấu rất chuyên nghiệp. Về phần Ban Tổ chức, tôi cho rằng đây là giải đấu thành công cả về công tác điều hành chuyên môn lẫn khâu tổ chức”.
Chính nhờ sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo, các đội ghe đã cống hiến cho khán giả những cuộc đua sôi nổi, quyết liệt. Kết quả chung cuộc, đội đua ghe Ngo nam Càng Long (Trà Vinh) và đội đua ghe Ngo nữ Ngan Dừa (Bạc Liêu) đã xuất sắc vô địch nội dung nam và nội dung nữ.
Gần 470 phóng viên, nhà báo của hơn 80 cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong khu vực và Trung ương đã đến theo dõi, tuyên truyền cho sự kiện Festival Đua ghe Ngo năm 2013, chứng tỏ rằng lễ hội truyền thống Oóc om bóc của đồng bào Khmer các tỉnh ĐBSCL đã thực sự “lột xác” nâng cao tầm vóc và tăng sức hấp dẫn.
Lê Thanh