Nỗi lo chấn thương của vận động viên thể thao thành tích cao

Cập nhật ngày: 18/07/2024 05:34:00

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240718053443dt2-8.mp3

 

ĐTO - Nếu đã lựa chọn theo đuổi đam mê thể thao thành tích cao, mỗi vận động viên (VĐV) của Đồng Tháp đều hiểu rằng họ phải vượt qua rất nhiều trở ngại, đặc biệt là chấn thương trong tập luyện, thi đấu. Với niềm đam mê cống hiến và quyết tâm thi đấu, nhiều VĐV của tỉnh dù chấn thương nhưng luôn nỗ lực vượt qua, tiếp tục khổ luyện mang về vinh quang cho thể thao Đất Sen hồng.


Môn judo có đặc thù thi đấu đối kháng và dùng nhiều sức mạnh nên dễ gây chấn thương cho vận động viên

Cách đây không lâu, tay đua xe đạp 17 tuổi của Đồng Tháp gặp tai nạn giao thông trong lúc tập luyện và không qua khỏi. Đây là mất mát lớn cho thể thao thành tích cao Đồng Tháp nói chung, bộ môn xe đạp nói riêng khi cua-rơ trẻ này đang là đương kim vô địch Quốc gia lứa tuổi 16 nội dung tính giờ cá nhân. Từ vụ việc của tay đua sinh năm 2007 có thể thấy những nguy cơ tai nạn, chấn thương mà các VĐV xe đạp phải đối diện, ngay cả trong lúc tập luyện. Theo Ban huấn luyện (BHL) bộ môn xe đạp Đồng Tháp, hàng ngày, VĐV xe đạp phải tập luyện trên các tuyến đường giao thông công cộng nên tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Để chinh phục quãng đường từ 70 - 120km/buổi tập đòi hỏi sự tập trung cao, ý thức chấp hành nghiêm pháp luật giao thông của huấn luyện viên (HLV) và từng VĐV. Chưa kể, những buổi tập diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là trời mưa, đường xấu... rất dễ gây té ngã cho VĐV.

HLV Lê Phương Sang - bộ môn xe đạp Đồng Tháp, cho biết: “Xe đạp là bộ môn thể thao tốc độ, có tính nguy hiểm cao, nên bộ môn mong muốn được bảo đảm điều kiện tập luyện, hỗ trợ trang thiết bị tốt hơn. Cùng với đó, VĐV cần được quan tâm hơn trong việc chăm sóc, chữa trị kịp thời những chấn thương trong tập luyện và thi đấu để VĐV có thể an tâm cống hiến cho thể thao tỉnh nhà”.

Gần 10 năm qua, nhưng Lê Huỳnh Tường Vi (bộ môn judo Đồng Tháp) chưa thể quên được chấn thương đứt dây chằng mà cô gặp phải khi còn là VĐV trẻ. VĐV Lê Huỳnh Tường Vi, cho biết: “Chấn thương của tôi xảy ra vào năm 2016, tôi buộc phải phẫu thuật để chữa trị. Đây là cú sốc lớn khi chấn thương khiến tôi lỡ cơ hội thi đấu Giải trẻ Quốc gia ở thời điểm mà bản thân đạt phong độ tốt nhất. Ngoài ra, nhiều chuyên gia dự báo tôi có thể đối diện với nguy cơ giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao nếu chấn thương phục hồi không như mong đợi. May mắn thay, nhờ tuân thủ chỉ định của bác sĩ, cộng thêm sự hỗ trợ của BHL và nỗ lực tập luyện phục hồi, tôi đã trở lại thảm đấu hơn 1 năm sau đó”.

Theo HLV Huỳnh Nhất Thống - bộ môn judo Đồng Tháp, mỗi ngày, các võ sĩ judo phải hoàn thành giáo án tập các động tác kỹ thuật vào đòn: tốc độ, sức mạnh, chiến thuật và kỹ thuật đánh ngã, nắm áo - phá áo. Ngoài ra, VĐV judo được yêu cầu thực hiện các bài tập thể lực với khối lượng rất nặng như: chạy rút tốc độ, leo dây thừng, tập tạ nặng và tạ tốc độ, tập với dây thun... Các bài tập và cường độ rất cao nên vấn đề chấn thương khó tránh khỏi. Đặc biệt, với những VĐV thi đấu giải Quốc gia, quốc tế, chấn thương ở gối, cổ chân, vai và các khớp ngón tay thường rất phổ biến. Để các VĐV tập luyện tốt, hiệu quả hơn và tránh chấn thương, bộ môn judo cần trang bị thảm tập luyện đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế và có những phòng phục hồi sau tập luyện.

Bên cạnh xe đạp, judo, những môn thể thao có cường độ, khối lượng vận động mạnh và thi đấu đối kháng như: cử tạ, điền kinh hay bóng đá... cũng rất dễ dẫn đến chấn thương cho VĐV. Cách đây 2 năm, trong lúc tập luyện chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, VĐV trẻ Huỳnh Thị Hồng Phúc (SN 2004) của bộ môn cử tạ Đồng Tháp không may dính chấn thương nặng và đứng trước nguy cơ giã từ sự nghiệp thi đấu thành tích cao. VĐV Huỳnh Thị Hồng Phúc, nhớ lại: “Trong lúc cố gắng thực hiện bài tập đẩy tạ trên bục, tôi bị gãy tay trái và phải phẫu thuật kết hợp xương vào tháng 11/2022. Quyết tâm không bỏ cuộc và nhờ sự hỗ trợ từ HLV, tôi có thể trở lại tập luyện sau gần 8 tháng gặp chấn thương. Đến nay, dù đã thi đấu với 100% khả năng, nhưng chấn thương vẫn khiến tôi bị ám ảnh, lo sợ”.

Hàng năm, thể thao thành tích cao mang về cho tỉnh Đồng Tháp hơn 400 Huy chương tại các giải đấu khu vực, toàn quốc. Cùng với đó, nhiều VĐV xuất sắc của tỉnh được triệu tập vào các Đội tuyển thể thao Việt Nam thi đấu quốc tế, mang về nhiều thành tích ấn tượng, góp phần làm rạng danh quê hương Đất Sen hồng. Để có được thành quả đó, mỗi HLV, VĐV phải trải qua thời gian dài khổ luyện đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sân tập. Thế nên, việc tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn đối với các CĐV thể thao thành tích cao là việc làm cần thiết không chỉ động viên cho những sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ HLV, VĐV, mà còn giúp họ an tâm gắn bó và cống hiến cho thể thao tỉnh nhà.

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn