Tầm quan trọng của bóng đá học đường

Cập nhật ngày: 23/02/2017 09:25:22

Trong xu thế hội nhập, bóng đá học đường (BĐHĐ) có vai trò quan trọng góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam. BĐHĐ là bộ phận đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, ý chí, giáo dục nhân cách cho học sinh, góp phần đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Đội bóng Tiểu học Đồng Tháp (trắng) luôn có mặt tại vòng chung kết Cúp Milo

 Khi bàn về BĐHĐ, cần thấy vai trò của giáo viên, hướng dẫn viên là yếu tố cấu thành hết sức quan trọng, vì họ là người phát hiện năng khiếu và hướng dẫn ngay từ khi các em mới bước vào giai đoạn đầu của tài năng thể thao. Chất lượng giảng dạy của giáo viên, hướng dẫn viên cũng là một liên kết quan trọng trong quá trình đào tạo vận động viên tài năng cho Quốc gia. Tuy nhiên ở nước ta, sự phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo với văn hóa, thể thao, du lịch chỉ tập trung vào lĩnh vực giáo dục thể chất và Hội khỏe Phù Đổng tổ chức theo định kỳ; phổ biến tình trạng giáo viên, hướng dẫn viên là giảng viên kiêm nhiệm; cơ sở vật chất tập luyện của nhà trường còn thiếu thốn, chưa được chú trọng... Từ thực tế đó, đã làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động tập luyện, thi đấu của học sinh và ảnh hưởng quan trọng trong quá trình đào tạo cầu thủ tài năng cho Quốc gia.

BĐHĐ Đồng Tháp thông qua sân chơi Hội khỏe Phù Đổng hàng năm được xác định là bệ phóng giúp các tài năng bóng đá học sinh góp mặt ở đội tuyển tỉnh và các đội tuyển Quốc gia, góp phần tự hào về hình ảnh địa phương. Bên cạnh thành tích đạt được của BĐHĐ, khó khăn hiện nay rất cần được ưu tiên quan tâm đầu tư, khai thác và sử dụng sân bóng đá cho việc tổ chức tập luyện và thi đấu. Qua khảo sát thực tế, toàn tỉnh chỉ có 12 trường học có sân bóng mini, chất lượng và số lượng của đội ngũ giáo viên hướng dẫn viên tại các trường học theo hướng chuyên sâu còn thiếu và yếu. Việc xây dựng hệ thống thi đấu cho các giải trẻ và các cấp học phổ thông cần được định hướng hợp lý để tạo điều kiện cho học sinh tham gia thi đấu đông đủ vào ngày nghỉ, ngày cuối tuần... Công tác tổ chức thí điểm các lớp bóng đá trọng điểm trong trường học tại một số địa phương có truyền thống và sân bãi sẵn có như: các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông và TP.Cao Lãnh... hiện tại rất cần cơ chế phối hợp giữa các ngành để chỉ đạo hiệu quả.

Đặc biệt, tại Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh, chất lượng tuyển chọn và đào tạo ban đầu của nhóm cầu thủ tuổi từ 12 - 14 tỉ lệ đạt yêu cầu chỉ đáp ứng 50% tiêu chuẩn huấn luyện nâng cao. Đây là thách thức đáng quan tâm, vì sau 2 năm đào tạo ban đầu, phần lớn nhiều cầu thủ buộc phải trả về gia đình đã ảnh hưởng đến việc học văn hóa và hướng nghiệp, gây bức xúc đối với phụ huynh.

Hiện nay, mô hình bóng đá cộng đồng trong trường học (FFAV) được thí điểm tại một số tỉnh, thành. Thông qua việc sử dụng những kinh nghiệm của mô hình FFAV, với sự phối hợp chặt chẽ từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên đoàn Bóng đá tại các địa phương để thành lập các Câu lạc bộ bóng đá trong các trường Tiểu học, THCS cũng như tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhằm phát triển bóng đá cộng đồng học đường cho trẻ em trong độ tuổi đi học. Mục tiêu chính của dự án này là rèn luyện thể chất, phát triển tư duy cho các em học sinh thông qua môn bóng đá để giáo dục ý thức đoàn kết và hình thành nhân cách cho thanh thiếu niên.

Trong xu thế xã hội hóa thể thao, để nhân rộng mô hình FFAV, Liên đoàn Bóng đá Đồng Tháp cần tăng cường phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các ngành hữu quan và tranh thủ các nguồn tài trợ xã hội nhằm phát triển bóng đá cộng đồng trong trường học. Từ đó, phát hiện nhiều tài năng, kế thừa cho bóng đá đỉnh cao, góp phần thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển bóng đá đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

TRƯỜNG THƯ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn