“Báo chí phải đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển đất nước“
Cập nhật ngày: 11/06/2016 06:29:03
Chiều 10/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn các nhà báo tham gia chương trình báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ 2. Cùng dự có Nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo tham gia chương trình.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi tới các nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.
Thủ tưng Nguyễn Xuân Phúc với Đoàn các nhà báo tham gia chương trình báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ 2
Thủ tướng nhấn mạnh, thông tin của của báo chí là tiếng nói của công luận, góp phần thúc đẩy sự minh bạch hóa, tính dân chủ trong xã hội. Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, báo chí đã thông tin toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội và đặc biệt báo chí có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh bài trừ cái xấu; phòng chống tham nhũng, lãng phí, đảm bảo trật tự an toàn giao thông… xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Đánh giá cao chương trình báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa nhà báo và doanh nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước nói chung. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên các cơ quan thông tấn, báo chí, giúp Chính phủ và các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
Thủ tướng nhấn mạnh, ở bất cứ giai đoạn nào, báo chí đều có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước như bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm; phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhấn mạnh đến việc các cấp, các ngành đang tích cực thực hiện Nghị quyết 35/CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và Nghị quyết 19/CP về cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp cần thắt chặt hơn nữa quan hệ cộng tác; là những người đồng hành thân thiết, tương trợ lẫn nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn báo chí và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, tương trợ và hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích chung của cộng đồng vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cơ quan báo chí phát huy sứ mệnh của mình, thông tin trung thực, khách quan; thực hiện tốt vai trò cầu nối của mình góp phần cùng Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Báo chí cần phản ánh trung thực tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; trong quá trình tác nghiệp, nhà báo cần phát huy năng lực phẩm chất đạo đức báo chí cách mạng đảm bảo chất lượng thông tin. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí cần đổi mới nhận thức của xã hội, tạo nên sự đồng thuận, sự cảm thông chia sẻ của xã hội, góp phần động viên doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng cho biết: "Chúng tôi mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành trong giai đoạn mới mạnh mẽ hơn, liên tục hơn, thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể. Trước hết là báo chí thực hiện tốt sứ mệnh báo chí, phản ánh thông tin nhanh nhạy, khách quan, trung thực; luôn theo sát các biến động trong dòng chảy đời sống, nhất là đời sống kinh tế, hoạt động sản xuất kinh donah của DN. Đặc biệt là vai trò của báo chí, cần kịp thời truyền tải thông tin chính sách pháp luật của Nhà nước. Giữa báo chí và DN phải có diễn đàn chia sẻ thông tin với nhau. Báo chí và DN muốn hợp tác, hỗ trợ nhau thì phải giao lưu, trao đổi thông tin thẳng thắn, cởi mở".
Tại buổi gặp, các Nhà báo và doanh nghiệp phát biểu đều khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa doanh nghiệp và các cơ quan báo chí. Báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm có tính thực tiễn cao. Trong đó có các đề tài về đầu tư, kinh doanh, lợi nhuận, vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nhân… luôn tạo ra sự thu hút độc giả, thính giả. Bên cạnh đó, báo chí cũng nêu lên các bài học về thất bại của DN, số ít những DN trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây tác động xấu đến xã hội.
Các doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, tìm kiếm thị trường, nắm bắt thông tin về chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời cũng mong muốn báo chí và doanh nghiệp phối hợp tốt hơn, từ cơ chế cung cấp thông tin, xử lý thông tin đến việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước, hướng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng đắn, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện, hành vi tiêu cực, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch.
Vũ Dũng (VOV)