“Bốc thuốc” chặn đà suy giảm du lịch Việt Nam

Cập nhật ngày: 26/05/2015 10:19:46

Ngày 25-5, tại Hà Nội, hội nghị “Những giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành. Đây được coi là một động thái tích cực nhằm ngăn chặn đà suy giảm khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua.


Ngày càng nhiều du khách đến với đảo Phú Quốc. Ảnh: THÁI BẰNG

Khách du lịch liên tiếp sụt giảm

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tốc độ tăng trưởng khách du dịch từ năm 2010 đến 2015 cho thấy sự suy giảm rõ rệt. Từ tháng 1 đến tháng 4-2015, tăng trưởng du lịch đang ở con số -12,8%. Theo phân tích, lượng khách quốc tế sụt giảm liên tiếp trong 11 tháng trong khi ở hầu hết các nước khác trong khu vực, lượng khách vẫn gia tăng đều đặn là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của ngành du lịch, và yếu tố cốt lõi nhất chính là sự cạnh tranh về giá cả. Theo một số doanh nghiệp vừa tham gia các đợt hội chợ du lịch quốc tế ở Australia, Đức và Nga, các đối tác nước ngoài cho rằng những bất ổn tại châu Âu đã ảnh hưởng mạnh đến thu nhập và sức mua của khách du lịch. Thêm vào đó, sự mất giá của các đồng tiền như đồng rúp của Nga, euro của châu Âu, yên của Nhật... so sánh với USD (và đồng tiền Việt Nam) khiến giá tour đến Việt Nam dành cho khách đến từ những khu vực này thêm đắt đỏ. Cùng đó, một số chính sách mới cũng được cho là làm khó du khách như chế độ visa mới, siết chặt du lịch tàu biển. Chia sẻ khó khăn này, đại diện của Red Tours cho biết, việc thu lệ phí xin visa vào Việt Nam là 45 USD, là mức giá khá cao mà thời gian cũng như cách làm việc chưa chuyên nghiệp của các bộ phận cung cấp thủ tục này khiến du khách nước ngoài ngần ngại.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan dẫn tới việc suy giảm khách quốc tế cũng được đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra là vai trò của “nhạc trưởng” bị giảm sút. Đặc biệt là sự quản lý phối hợp hoạt động du lịch ở các địa phương. Công tác xúc tiến du lịch được cho là ngày càng thiếu chuyên nghiệp do có nhiều cơ quan tham gia, nguồn lực thiếu nhưng lại phân tán, không thể tổ chức được các chiến dịch lớn làm thay đổi thị trường thu hút khách du lịch vào Việt Nam. Nhắc tới chủ đề này, ông Vũ Thế Bình thốt lên rằng: “Quá chua xót! Nhiều đơn vị ngộ nhận làm được xúc tiến du lịch (Cục Hợp tác quốc tế, Cục Di sản và cả Cục Văn hóa cơ sở cũng tham gia vai trò này)... trong khi đó người làm xúc tiến lại không ý thức được rằng đây là một hoạt động mang nặng tính kinh tế”. Theo ông Bình thì chiếc áo du lịch được tùy tiện khoác lên các sự kiện, lễ hội... khiến cho hình ảnh về quảng bá du lịch ngày càng mờ nhạt. 

Ngăn đà giảm bằng cách nào?

Trước thực tế đáng báo động như vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng trong thời gian tới cần hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể như: mở rộng chính sách miễn thị thực cho công dân đến từ các thị trường du lịch lớn của Việt Nam; thành lập quỹ xúc tiến du lịch từ ngân sách; chấn chỉnh tình trạng kinh doanh lộn xộn tại các điểm du lịch; đồng thời triển khai mạnh mẽ chiến dịch làm sạch môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Đặc biệt là việc tiếp tục triển khai miễn visa nhằm kích thích, tăng tính cạnh tranh đối với một số thị trường trọng điểm như Pháp, Đức, Mỹ, Australia. Chia sẻ về nội dung này, ông Vũ Duy Vũ, đại diện Saigontourist cho rằng không nên để những khó khăn, vướng mắc trong việc xin visa trở thành rào cản đối với du lịch Việt Nam. Ông Vũ đề xuất nên tạo ra một trang web ứng dụng trực tuyến độc đáo do Chính phủ hoặc hợp đồng ủy nhiệm cho một công ty hay một pháp nhân duy nhất có thể giải quyết nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, đảm bảo an ninh và sự rõ ràng về cấp e-visa. Đồng thời, với những khách đã đến Việt Nam một lần rồi thì nên miễn visa hoặc tạo điều kiện cho họ lấy visa tại chỗ (lấy visa tại cửa khẩu). Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng việc miễn visa với các thị trường này sẽ tạo nên sức bật mới tương tự như kết quả tăng trưởng của du khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga (nhóm được miễn visa).

Tại hội nghị này, giải pháp về việc xây dựng nhiều chương trình có tính liên kết vùng giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan... cũng được nêu ra. Theo đó, có thể đưa ra những sản phẩm hấp dẫn khai thác các thị trường du lịch từ các nước có chung đường biên giới, đồng thời tạo nên điểm nhấn đối với khách phương Tây khi tìm hiểu và khám phá văn hóa phương Đông. Đại diện của một số đơn vị du lịch cũng đề xuất với việc sức mua giảm sút liên tục thì một chương trình kích cầu là cần thiết. Tuy nhiên phải là kích cầu thực sự, có những chính sách cụ thể để doanh nghiệp tạo nên những sản phẩm có sức cạnh tranh chứ không phải chỉ là kêu gọi khách đi du lịch, kêu gọi doanh nghiệp tham gia làm tour giảm giá, kích cầu và hứa hẹn những chính sách ưu đãi chung chung.

Theo MAI AN/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn