“Minh bạch để cán bộ thấy thực chất dân đang nuôi mình”

Cập nhật ngày: 27/10/2016 08:43:19

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, cần phải công khai số lượng cán bộ quản lý để tạo sự minh bạch, để cán bộ thấy rằng người dân thực chất đang nuôi mình.

Một trong những thông tin gây xôn xao dư luận trong những ngày qua, đó là tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì 44 người mang chức danh quản lí. Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.


TS Nguyễn Sĩ Dũng

PV: Cảm giác của ông như thế nào khi nghe những con số như vậy?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi ngao ngán. Bởi vì nó đã vi phạm những chuẩn mực quan trọng nhất của việc tổ chức công việc. 44 người lãnh đạo 2 người, tại sao công việc lại sắp xếp như vậy. Đó quả thực là một kim tự tháp ngược, mà chính là 2 lãnh đạo và 44 nhân viên thì mới chuẩn ở một Sở.

Ở đây tôi thấy băn khoăn rằng ở đó công việc không vận hành hoặc ở đó không có công việc gì. Bởi vì, thứ nhất tổ chức công việc cũng như quản trị công việc như vậy thì phá vỡ hoàn toàn. Lãnh đạo phân công công việc cho nhân viên, giám sát và thúc đẩy nhân viên làm việc nhưng ở đây có 2 nhân viên mà có tới 44 lãnh đạo thì việc đó làm thế nào?

Ở đây chắc có 1 trưởng, còn lại chủ yếu là phó thì các phó làm sao giám sát nhau được. Vận hành như vậy sẽ phá vỡ mô hình quản lý và không thể hiệu quả.

Thứ hai, người dân sẽ thấy uất ức bởi vì họ đang rất khó khăn nhưng bây giờ anh đưa thêm lãnh đạo để có phụ cấp là phung phí tiền của dân.

Thứ ba, quy định của Chính phủ hay quy định của Bộ Nội vụ là 2 hoặc 3 phó nhưng ở đây đã vượt xa những quy định đó, có nghĩa anh đã bất chấp pháp luật, bộ máy phía dưới muốn làm gì thì làm và không có cơ chế nào để áp đặt tuân thủ pháp luật cho các cơ quan quản lý cả.

PV: Thưa ông, Hải Dương một sở có 44  lãnh đạo, còn tại Thanh Hóa, một sở cũng có đến 8 Phó giám đốc; huyện có 32 phó phòng…. Phải chăng đang tồn tại căn bệnh thừa lãnh đạo, thiếu nhân viên?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thừa lãnh đạo, thiếu nhân viên chứng tỏ không có việc gì để làm, công việc không rõ và cơ chế giám sát để công việc được thực hiện cũng không rõ. Ở đây có lẽ có thêm tâm lý cộng thêm chức vụ để có thêm phụ cấp. Nhưng phải hiểu rằng cái đó phá vỡ cái lớn hơn rất nhiều đó là các mô thức lãnh đạo, quản lý. Rõ ràng, người làm ít nhưng người giám sát nhiều thì lấy đâu ra người làm việc để giám sát. Như vậy là phản tác dụng và không thể tốt được.

Đây mới chỉ là ví dụ ở hai địa phương, nếu đi sâu vào nghiên cứu để xem xét thì tôi nghĩ có thể còn có nhiều nơi nữa bởi vì kỷ luật không nghiêm.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã rất cương quyết khi chỉ đạo việc tinh giản biên chế, làm thế nào để bộ máy hành chính thực sự có hiệu quả. Thế nhưng ở đâu đó, việc bổ nhiệm sai vẫn tồn tại. Theo ông, nguyên nhân có phải là việc xử lí những sai phạm này đang có những bất cập?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thực có nhiều điều bất cập. Thực chất các cơ chế gồm cơ chế bên Đảng, quản lý của cấp trên có vẻ không vận hành. Bởi vì nếu quy định một Sở có 2 phó giám đốc hoặc sở đặc biệt như Hà Nội, TPHCM có 3 phó giám đốc… thì đó là những quy định mang tính pháp lý bắt buộc nhưng ở đây có thể thấy vượt qua một cách rất dễ dàng. Nếu báo chí không phát hiện thì gần như không có vấn đề gì xảy ra. Rõ ràng vấn đề kỷ luật công vụ phải quan tâm và thắt chặt hơn nữa.

PV: Nếu như áp dụng bản mô tả vị trí việc làm cho từng vị trí, theo ông liệu chúng ta có chấm dứt được tình trạng như ở Hải Dương hay Thanh Hóa và nhiều địa phương khác đang trong tình trạng lạm phát cấp phó không?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Mô tả công việc là một việc khó, bởi vì để các cơ quan có nhân sự mô tả công việc thì họ mô tả theo những người đang làm việc. Để Bộ Nội vụ ban hành mô tả công việc mà Bộ Nội vụ không nắm sâu công việc của từng nơi thì đây là bài toán thực sự khó giải. Cho nên chúng ta chưa có bản mô tả công việc được.

Tôi nghĩ rằng muốn mô tả được công việc, chúng ta phải thay đổi mô thức của chính quyền. Nói chính quyền quản lý chung chung như vậy thì rất khó. Chúng ta chuyển sang mô hình cung cấp dịch vụ thì sẽ mô tả được. Ví dụ việc đóng dấu xác thực cho người dân trong các giao dịch dân sự thì mỗi tháng phải tính được xác thực bao nhiêu, thì sẽ cần nhân lực bao nhiêu người. Thay đổi cách tư duy sẽ mô tả được công việc dễ dàng hơn.

PV: Trong các trang web của các tỉnh thành phố, có đề cập sơ đồ tổ chức hệ thống chính trị. Tuy nhiên, chỉ đề có bao nhiêu sở, ngành, quận huyện mà không đề số lượng công chức. Có ý kiến cho rằng, cần phải công khai số lượng, tên tuổi của các cán bộ quản lí, có như vậy mới tạo sự minh bạch, công khai. Quan điểm của ông như nào về vấn đề này?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ hoàn toàn có thể công khai được để người dân giám sát. Nếu có những con số đó ở các sở thì khả năng giám sát sẽ cao hơn và so sánh với các địa phương dễ hơn. Nếu chúng ta quan niệm chính quyền cung cấp dịch vụ thì người dân trả thuế bao nhiêu sẽ được cung cấp dịch vụ bấy nhiêu. Còn bây giờ người dân đóng thuế, còn cung cấp dịch vụ gì không rõ thì sẽ rất khó.

Chính vì thế sự minh bạch là rất quan trọng để người cán bộ thấy rằng người dân thực chất đang nuôi mình.

PV: Vai trò của Bộ Nội vụ như thế nào trong vấn đề này, thưa ông?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý công chức, viên chức nên đóng vai trò hết sức quan trọng. Bộ Nội vụ thực chất phải vươn lên để nắm nền công vụ gồm những vấn đề gì, gồm những loại hình lao động gì, những lĩnh vực gì và phải mô tả được công việc.

Tôi nghĩ rằng Bộ Nội vụ có vai trò hết sức quan trọng trong việc xác lập kỷ luật về hành chính công vụ, nhân sự, đặc biệt trong việc xác lập công chức, viên chức các ngành, mô tả công việc, các loại dịch vụ cung cấp.

PV: Xin cảm ơn ông.

Lê Tuyết-K.Anh/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn