3 tuyến tiếp cận nạn nhân bị kẹt trong hầm thủy điện
Cập nhật ngày: 19/12/2014 05:12:10
Công binh mở thêm một tuyến đường đi theo ngách bên trái của hầm để phòng khi tuyến bên phải gặp sự cố. Ngoài ra, một tuyến nữa được khoan từ trên nóc hầm xuống.
Chiều nay (18/12), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và đoàn công tác đã có mặt tại hiện trường vụ sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, để kiểm tra và chỉ đạo việc giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nghe báo cáo công tác cứu hộ và đưa ra ý kiến chỉ đạo công tác này (ảnh: Thế Thắng)
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ huy cứu nạn và qua trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác triển khai các phương án cứu nạn cứu hộ, những khó khăn đang gặp phải cũng như tìm hiểu tình trạng sức khỏe của 12 nạn nhân đang bị mắc kẹt trong đường hầm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các đơn vị tham gia cứu hộ cần tiếp tục triển khai tích cực hơn nữa, huy động mọi phương tiện sẵn có để nhanh chóng tiếp cận, giải cứu các nạn nhân song phải đảm bảo an toàn cho các nạn nhân cũng như các lực lượng tham gia cứu hộ.
Phó Thủ tướng cho biết thêm, hôm nay có thêm biện pháp công binh mở thêm một tuyến đường đi theo ngách bên trái của hầm. Tránh trường hợp tuyến bên phải mở không nhanh được, hoặc do sụt lở về địa chất có thể lấp tuyến bên phải thì còn dự phòng tuyến bên trái. Vì vậy, mở hai tuyến song song. Ngoài ra còn có một tuyến nữa là khoan từ trên nóc hầm xuống.
Hiện mũi khoan từ trên nóc hầm xuống địa điểm các nạn nhân đang bị mắc kẹt đã đi được hơn 40m, dự kiến gần 20m còn lại sẽ thực hiện khoan xong trong đêm nay. Khi đã thông được tuyến này thì sẽ đưa được quần áo, thuốc men xuống cho các nạn nhân.
Cũng theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tốc độ đào đất ở hầm bên phải có tiến độ tối đa là 8m/ngày, đồng nghĩa phải mất đến 3 ngày nữa mới tiếp cận được các nạn nhân. Nếu gặp phải đá thì tới đây sẽ sử dụng các liều nổ nhỏ để phá. Phó Thủ tướng lưu ý những việc này cần phải hết sức thận trọng, bởi nếu để đường hầm bị sập xuống thì các đường ống thoát nước, tiếp oxy, sữa và thức ăn cho nạn nhân sẽ bị vùi lấp, là điều hết sức nguy hiểm. Chính vì vậy các lực lượng phải phối hợp rất nhịp nhàng.
Riêng đối với đầu đường hầm ở phía sau hạ lưu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Phương án từ phía hạ lưu, chúng tôi đang giao cho Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Xây dựng, Công ty Sông Đà, công binh tiếp tục nghiên cứu. Mặc dù đây là hướng mà các địa chất rất yếu, khó khăn hơn nhiều và có đến 60m nữa mới thông được hầm, thế nhưng vẫn phải chuẩn bị tất cả các giải pháp có thể được. Như vậy hiện nay chúng ta đang đi theo 3 tuyến để tiếp cận các nạn nhân và hy vọng tốc độ tiếp cận sẽ được đẩy lên nhanh hơn”./.
Quang Sáng/VOV