70% doanh nghiệp cần quan hệ cá nhân để tiếp cận thông tin nhà nước

Cập nhật ngày: 10/06/2015 11:37:10

Theo khảo sát của VCCI, trung bình 10 doanh nghiệp thì có 7 doanh nghiệp cần tới mối quan hệ cá nhân với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin.

Môi trường kinh doanh minh bạch sẽ góp phần tăng lòng tin vào hiệu quả quản trị của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực của doanh nghiệp, đồng thời tăng tính bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các nhóm doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều quan ngại về điểm này trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Thiếu thông tin, doanh nghiệp dè dặt sản xuất kinh doanh

Theo khảo sát của VCCI mới đây, việc tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp đang có xu hướng chững lại. PCI 2014 cho thấy, doanh nghiệp chưa gặp nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật (như luật, nghị định, văn bản hướng dẫn của cấp trung ương, công báo tỉnh, biểu mẫu thủ tục hành chính). Thậm chí doanh nghiệp còn gặp khó khăn hơn năm trước đó khi tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng, có liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư...).


Kết quả khảo sát trong PCI 2014 của VCCI

Hệ quả của việc này, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI,  “nếu doanh nghiệp không có thông tin cụ thể về các quy hoạch đất đai, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, họ sẽ còn dè dặt trong quyết định mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh”.

Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh này, mối quan hệ cá nhân vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng. VCCI đã khảo sát doanh nghiệp với câu hỏi: Bạn có đồng ý với nhận định: “Cần có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, tài liệu”? Kết quả là, năm 2014, cứ 10 doanh nghiệp thì có đến 7 doanh nghiệp phải cần tới mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, đảo ngược xu thế cải thiện liên tục trong 4 năm liên tiếp 2010 -2013.

Ông Peter Ryder, Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Indochina Capital tại Việt Nam cho rằng: “Thương mại, đầu tư nước ngoài tạo ra nguồn thu ngân sách, năng lực xuất khẩu, ngoại hối, công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ cho thị trường Việt Nam và cũng đóng góp đáng kể vào những động lực chiến lược để phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam. Đầu tư nước ngoài có chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng, nhưng nguồn đầu tư này sẽ chỉ đến những thị trường, những nơi mà môi trường đầu tư có chất lượng. Cho nên, tôi mong mỏi các nhà làm chính sách và điều hành của Việt Nam nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh của mình. Trong đó, cần minh bạch thông tin, chống lại các yếu tố chi phí không chính thức, cải thiện cơ sở hạ tầng...).

Một bài học về tác động tích cực của việc tăng khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp, GS.TS Edmund Malesky (Đại học Duke, Hoa Kỳ) cho biết, “Đà Nẵng là điểm đến đặc biệt cho doanh nghiệp FDI thể hiện ở chỗ: Mức độ minh bạch và khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý, quy hoạch tại Đà Nẵng cao đáng kể. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, 76% doanh nghiệp cho biết Đà Nẵng linh hoạt giải quyết trong khuôn khổ pháp luật, trong khi trung bình chung trên toàn quốc chỉ là 48%”.

Cần thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạch định chính sách

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, “nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác điều hành, trong cơ chế, chính sách là điều cần thiết đối với Việt Nam nhằm xây dựng lòng tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư”.

Dữ liệu điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2014 cho thấy, dù còn nhiều quan ngại, nhưng bước đầu đã có một số tín hiệu tích cực khi tính minh bạch đang có xu hướng cải thiện theo thời gian, tăng từ 5,56 điểm năm 2013 lên 5,98 điểm, mức điểm cao thứ hai chỉ sau năm 2008 (6,32 điểm).

Có được kết quả này, theo ông Tuấn, chủ yếu nhờ việc cải thiện mức độ tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách cũng như nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp địa phương.

Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, năm vừa qua, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương cũng có nhiều cơ hội thể hiện, phát huy vai trò và tiếng nói của mình trong quá trình tư vấn và phản biện chính sách. Có tới 43% doanh nghiệp (mức cao nhất kể từ năm 2006) đồng ý rằng, hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hoặc rất quan trọng trong quá trình này.

Cùng với việc nhận thức tốt hơn tiếng nói của doanh nghiệp trong xây dựng chính sách điều hành, các địa phương trên cả nước cũng đã tích cực cải thiện cổng thông tin điện tử hay trang web tỉnh thông qua việc cập nhật thông tin, tăng cường dịch vụ hành chính trực tuyến, coi đây là kênh hữu hiệu để cập nhật thông tin về quy định, chính sách và điều hành cho doanh nghiệp, góp phần tăng cường tính minh bạch của môi trường kinh doanh.

Theo Xuân Thân/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn