Áp thấp nối áp thấp, mưa như trút suốt 10 ngày
Cập nhật ngày: 06/10/2020 16:18:55
Sáng 6-10, tại cuộc họp triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới đang vào Trung bộ, gây mưa to ở Nam bộ và Tây Nguyên, các chuyên gia cảnh báo, lượng mưa có thể lên tới 1.500mm.
Trưa nay, 6-10, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia trao đổi thêm với báo giới:
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia. Ảnh: VOV
* PV: Đợt mưa lũ sắp xảy ra ở miền Trung sẽ như thế nào thưa ông?
- Ông Hoàng Phúc Lâm: Từ ngày 6-10, do chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với hoạt động của 1 xoáy thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực giữa Biển Đông.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung bộ (trên dải hội tụ nhiệt đới tồn tại các vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới) và kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ ngày 6 đến 11-10 ở Trung bộ sẽ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp ứng triển khai ứng phó áp thấp sáng 6-10
* Khi nào sẽ là cao điểm của đợt mưa lần này thưa ông?
- Sự kết hợp của các yếu tố gây mưa cho khu vực Trung bộ sẽ mạnh nhất trong các ngày từ 7 đến 9-10, khi mà vùng áp thấp tiến sát vùng ven biển Trung Trung bộ và Nam Trung bộ.
Khi đó, khu vực Trung Trung bộ, các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ chịu ảnh hưởng kết hợp của gió mùa đông bắc, rìa phía bắc của vùng áp thấp và địa hình trải dài theo hướng tây bắc – đông nam, nên khả năng rất cao đây sẽ là thời gian có cường độ và tổng lượng mưa 24 giờ lớn nhất của đợt mưa này.
* Mưa lớn còn kéo dài tới khi nào và có thể gây ra những tác động gì?
- Chúng tôi nhận định, sau ngày 11-10, mưa lớn ở các tỉnh Trung bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Nguyên nhân là do dải hội tụ nhiệt đới vẫn đi qua khu vực Trung bộ, trên dải hội tụ nhiệt đới này có thể xuất hiện 1 xoáy thuận nhiệt đới khác trong khoảng ngày 12 và 13-10, sau đó di chuyển hướng về miền Trung, cộng thêm gió mùa đông bắc vẫn còn hoạt động mạnh, nên mặc dù cường độ mưa có thể giảm so với cao điểm (từ ngày 7 đến 9-10), nhưng mưa to đến rất to vẫn sẽ xảy ra trên diện rộng và chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn ở các Trung Trung Bộ cho tới ngày 15-10.
Thời tiết Nam bộ rất xấu, bắt đầu mưa từ hôm nay 6-10. Ảnh: NGUYỄN QUỐC ANH
Mưa với cường độ và tổng lượng mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt diện rộng trên các lưu vực sông và các khu đô thị lớn.
Mưa lũ, ngập lụt có khả năng ảnh hưởng đến các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi nhỏ, xung yếu có thể bị sự cố. Các địa phương cần sớm rà soát các phương án ứng phó mưa, lũ lớn để chủ động hơn trong công tác phòng chống.
Theo VĂN PHÚC (SGGP)