Báo cáo Quốc hội điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu

Cập nhật ngày: 06/07/2022 13:39:12

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đã giảm xuống mức sàn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu để báo cáo Quốc hội xem xét có biện pháp phù hợp. 


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp ​

Tại phiên họp bất thường vừa diễn ra sáng nay 6-7, với tỷ lệ tán thành đạt 100%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay để góp phần giảm giá các mặt hàng vừa mang tính chiến lược vừa mang tính thiết yếu này.

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn giảm xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12-2022 như sau: xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít, kg xuống mức sàn 300 đồng/lít, kg; riêng dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Đây là mức giảm “kịch khung” mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo sự ủy quyền của Quốc hội.


Quang cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu để báo cáo Quốc hội xem xét có biện pháp phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn số liệu từ Bộ KH-ĐT, theo đó, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế và giá xăng dầu tác động đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế sẽ giảm khoảng 0,5%.

“Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát (nhất là trong điều kiện hiện nay khi lạm phát không còn ở diện cục bộ nữa mà ở hầu hết các nước do những tác động kép của đại dịch Covid-19, những căng thẳng về địa chính trị trên thế giới, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và giá nguyên liệu, vật tư, lương thực đều tăng...), vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng khác cũng sẽ giảm. Khi đó, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ được hưởng lợi cả hai vòng: vừa trực tiếp vừa gián tiếp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo ANH PHƯƠNG (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn