Bộ Công thương họp báo về Hiệp định TPP: Cơ hội lớn hơn thách thức

Cập nhật ngày: 10/10/2015 08:58:02

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại cuộc họp báo chiều 9-10. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý, lợi ích sẽ chỉ có được khi chúng ta tận dụng tốt. Theo tính toán, TPP chỉ có thể được các nước ký vào nửa đầu năm 2016.

Dệt may hưởng lợi lớn

Dẫn tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, Bộ Công thương cho biết, trong điều kiện các yếu tố đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc các nước, trong đó có thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0%, hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới. Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Tương tự dệt may, các mặt hàng giày dép của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn.


May veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Bên cạnh đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng khi TPP có hiệu lực.

Các doanh nghiệp của ta cũng sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng 10-12 tỷ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nông sản chịu nhiều sức ép

Theo Bộ Công thương, với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, NewZealand, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt heo, thịt gà. Đây là những mặt hàng ta đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì những sản phẩm này vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh, đó là sản phẩm sữa, đậu tương, bắp và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, theo ông Trần Quốc Khánh, chúng ta sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ... để sản phẩm nông nghiệp của ta đủ sức đứng vững trên sân nhà. Theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại (khoảng 10 năm). Ngoài ra, tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải đối phó với các thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế với các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy; thách thức về mặt xã hội khi nhiều doanh nghiệp khó khăn dẫn tới khả năng thất nghiệp một bộ phận lao động; thách thức về thu ngân sách khi hàng rào thuế quan giảm.

Nhập siêu giai đoạn đầu có thể lớn

Trả lời câu hỏi về các cơ hội, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nếu sử dụng đúng cách tiếp cận, nắm bắt các cơ hội mang lại nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh lên. Thừa nhận với việc hàng rào thuế quan giảm xuống sẽ tăng cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam của các đối tác TPP nhưng ông Trần Quốc Khánh cho rằng, các nước như Nhật Bản, Canada, Hoa Kỳ... đều có cơ cấu hàng hóa bổ sung và Việt Nam xuất siêu vào các thị trường này nên có cơ sở để tin rằng xuất khẩu sẽ tăng nhanh hơn nhập khẩu và “không có cơ sở nhập siêu tăng lên trong quan hệ các nước TPP”. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: “Lợi ích của Việt Nam trong TPP là lớn hơn thách thức”.

Cố vấn cao cấp đoàn đàm phán TPP, ông Trương Đình Tuyển, cho rằng vào TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức nhưng tự thân những điều đó không biến thành sức mạnh. Thách thức đến đâu tùy thuộc vào khả năng của chúng ta và TPP mang đến cơ hội nhưng cũng không tự biến thành lợi ích. Ông Trương Đình Tuyển cũng chia sẻ, ông không lo khả năng thích ứng của doanh nghiệp (vì khi chịu sức ép họ sẽ vươn lên) mà ông lo nó nhất về bộ máy nhà nước trước các sức ép về thay đổi. Nhận định về xuất nhập khẩu, theo ông Trương Đình Tuyển, có khả năng ban đầu nhập siêu sẽ tăng lên do đầu tư vào Việt Nam nhiều. Điều này là không xấu vì họ cần nhập khẩu máy móc để đầu tư, xây dựng. Còn sau đó, khi nền kinh tế có sự chuyển dịch thì xuất khẩu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển cũng cảnh báo, không nên sống trong trào lưu, cảm xúc quá nhiều khi vào TPP mà cần hết sức bình tĩnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo SGGP về nguyên tắc “chọn bỏ” trong TPP (lĩnh vực nào không mở cửa được ghi cụ thể) có thể gây khó khăn cho Việt Nam trong tương lai khi xuất hiện sản phẩm, dịch vụ mới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, chúng ta đã ghi rõ các biện pháp bảo lưu bởi lo ngại những ngành nghề mới xuất hiện trong tương lai mà chúng ta chưa quản lý được hay chưa muốn cho kinh doanh. Nguyên tắc này cũng sẽ áp dụng cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước trong một khoảng thời gian để Việt Nam xem xét quản lý ra sao. Từ đó sẽ tính toán mở cửa hay không.

NGỌC QUANG/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn