Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016
Cập nhật ngày: 02/08/2016 15:49:40
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra ba kịch bản dự báo tăng trưởng năm nay.
Sáng nay (2/8), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2016, tình hình triển khai Nghị quyết số 01/2016 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra ba kịch bản dự báo tăng trưởng năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng qua đã có sự chuyển biến, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Trong đó, hầu hết các ngành công nghiệp đều tăng trưởng khá. Lạm phát bình quân 7 tháng đầu năm tăng 1,82%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, mặt bằng lãi suất ổn định và lãi suất cho vay có xu hướng giảm, dự trữ ngoại hối tăng.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: Quang Hiếu
Cùng với đó, xuất khẩu thủy sản tăng 3,9%, trong khi cùng kỳ năm ngoái giảm 7%. Chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, 7 tháng qua ước giải ngân đạt 8,5 tỷ USD, vốn đăng ký đạt gần 13 tỷ USD. 7 tháng qua, các bộ, ngành cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp số doanh nghiệp đăng ký tăng 23%. 16.700 doanh nghiệp trước đây phải dừng hoạt động thì nay đã trở lại hoạt động. Cùng với đó, an sinh xã hội, lao động việc làm được quan tâm và có nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo.
Tuy vậy, vẫn có nhiều thách thức đối với nền kinh tế, phải kể đến là tác động của thiên tai, hạn hán, mặn xâm nhập. Tiến độ thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ khi đến giữa tháng 7 mới thu được 500.000 tỷ đồng, chỉ đạt 49,4% dự toán năm. Cùng với đó, xuất khẩu chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 10% của năm nay. Nhập khẩu nguyên liệu của một số ngành hàng thấp, là biểu hiện cho thấy xuất khẩu sắp tới vẫn chưa có nhiều cải thiện. Tiêu dùng trong nước cũng thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí các dự án BOT chưa hợp lý. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xử lý chưa triệt để. Trong lĩnh vực du lịch, quản lý các công ty lữ hành và hướng dẫn viên du lịch có bất cập. Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý về môi trường chưa kịp thời. Đáng tiếc là an ninh mạng chưa được kiểm soát chặt chẽ, để xảy ra vụ tin tặc tấn công trang mạng điện tử của Hãng hàng không Việt Nam tại Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Sau khi phân tích về các thuận lợi, khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của năm nay. Kịch bản thứ nhất, cả năm tăng trưởng 6,27%; kịch bản thứ 2, cả năm tăng 6,5% và kịch bản thứ ba, cả năm tăng 6,7%, bằng với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ cũng nhận định, kịch bản tăng trưởng 6,7% là khó đạt được, hoặc muốn đạt được thì các ngành phải hết sức nỗ lực, quyết liệt và tập trung cao.
Đối với chỉ số lạm phát, dự kiến có thể nằm trong tầm kiểm soát và đạt mục tiêu Quốc hội đề ra với mức dự báo cả năm trong khoảng 5%.
Đối với xuất nhập khẩu, do sản phẩm cạnh tranh yếu, lại thêm việc các doanh nghiệp chưa khai thác tốt các thị trường và Hiệp định thương mại tự do, nên xuất khẩu khó tăng. Trong khi đó, giá dầu thô dự báo sẽ không giảm sâu, duy trì ở mức 45USD/thùng, cao hơn mức bình quân 40USD của nửa đầu năm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì khả năng cả năm, tăng trưởng xuất khẩu khó tăng 10% như mục tiêu đề ra.
Về các giải pháp cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, trong đó có công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu; thu hút khách du lịch, quản lý dịch vụ vận tải và xử lý các bất cập trong thu phí các dự án BOT, giảm chi phí đường bộ.
Tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bằng việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phấn đấu thu ngân sách đạt mục tiêu; quản lý chặt chẽ chi tiêu công, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và khai thác tốt thị trường trong nước, nhất là thị trường ASEAN.
Vũ Dũng/VOV