Cần khôi phục lại trụ đỡ của nền kinh tế

Cập nhật ngày: 30/07/2016 06:49:40

Nông nghiệp là ngành có lực lượng lao động chiếm tới 70% dân số Việt Nam, luôn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên họp Quốc hội sáng nay, lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn. Làm thế nào để khôi phục lại ngành nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế - trong thời gian tới? Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi trao đổi bên hành lang Quốc hội.


Do chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, giá thanh long còn thất thường (Ảnh minh họa: KT)

Phân tích nguyên nhân dẫn tới thực trạng ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng thấp trong thời gian qua, các đại biểu cho rằng, cùng với các yếu tố khách quan như thời tiết diễn biến xấu và thiên tai hạn hán, mặn xâm nhập… thì nhìn rộng ra, sự sụt giảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp còn do những bất cập của một nền nông nghiệp hiệu quả thấp, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Bên cạnh đó là vấn đề quy hoạch cây, con giống chưa phù hợp, chưa chủ động được thị trường tiêu thụ cho nông dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đoàn Bình Thuận nêu thực tế từ sản phẩm quả thanh long của địa phương: “Đúng là do mình cũng chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, giá thanh long còn thất thường, đặc biệt gần đây thì thương lái Trung Quốc có len lỏi và cư trú bằng hình thức du lịch, nhập cư vào tỉnh rồi buôn bán Thanh long làm lũng đoạn thị trường. Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiều cuộc họp chỉ đạo về mua bán thanh long. Tại kỳ họp này, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng có tăng cường xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ Thanh Long. Đoàn đã trực tiếp đi làm việc với tỉnh Lào Cai, phối hợp mở rộng thị trường qua cửa khẩu để tiêu thụ thăng long, kết quả rất thành công”.

Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, ngành nông nghiệp cần được đặc biệt quan tâm hơn trong thời gian tới. Để giải quyết được tình trạng thiệt hại nặng do mặn xâm nhập ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, một số đại biểu cho rằng, giải pháp tối ưu là cần tận dụng diện tích bị nhiễm mặn để nuôi thủy sản có giá trị kinh tế như tôm, thay vì trồng lúa như trước đây. Các bộ, ngành, địa phương cần có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân vay vốn,  con giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau nêu ý kiến: “Từng công đoạn được cho vay như vậy chúng ta thấy nó liên kết. Giá trị những sản phẩm trong chuỗi liên kết tăng lên rõ. Ví dụ trong một cân cá tra trước đây có thể với những người nằm trong chuỗi thì họ có thể lợi thêm mỗi ký 10 nghìn đồng. Đây là một trong những biện pháp khá rõ. Chỉ có những biện pháp như vậy và nhân rộng mô hình thì có thể giảm thất thoát lợi nhuận cho người nông dân. Tôi mong rằng nếu được, nên tiếp tục chương trình hỗ trợ cho vay để tiêu thụ chính vụ để có nguồn tiền cho hàng dự trữ thì sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn”.

Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trọng tâm của ngành trong thời gian tới là tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại nền sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa, hiệu quả và chuỗi giá trị để có thể hội nhập toàn cầu. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết tam nông, tập trung vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh chính sách làm sao thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Trên tổng thể hiện nay chúng ta có 12 triệu nông dân, nếu để sản xuất nhỏ lẻ như hiện này thì sức cạnh tranh từ mua đầu vào cũng cao, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ rất khó khăn và đặc biệt là thương thảo đầu ra không thể đơn lẻ một người nông dân làm được. Thứ hai là chúng ta phải tổ chức chỉ đạo nhanh hơn quá trình hình thành hợp tác xã khiểu mới theo luật 2012 mà chúng ta đã ban hành”- ông Cường nhấn mạnh.

D.Út (Phương Thoa - Nguyễn Hiền/VOV)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn