Cảnh sát giao thông "chốt" ngay gần quán rượu, kiểm soát các "ma men"
Cập nhật ngày: 12/08/2016 10:14:42
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an sẽ xử lý mạnh các đối tượng vi phạm nồng độ cồn, trong đó tăng cường kiểm soát việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông ngay tại khu vực gần các nhà hàng, quán rượu bia vào các giờ cao điểm từ 11h - 14h và từ 16h - 21h.
Cao điểm xử lý vi phạm giao thông bắt đầu từ ngày 16/8
Hoạt động này được triển khai trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự xã hội trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, dịp lễ Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9. Kế hoạch bắt đầu từ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9 trên đường bộ và đường sắt và từ 16/8 đến hết ngày 15/10 trên đường thủy nội địa.
Trọng tâm của đợt cao điểm là các thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương có nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi và các tuyến giao thông trọng điểm Quốc lộ 1A, quốc 5, quốc lộ 10, quốc lộ 18, quốc lộ 20, quốc lộ 51, các tuyến đường bộ cao tốc.
Đặc biệt, tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp với Công an thành phố tập trung kiểm soát việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông ngay tại khu vực gần các nhà hàng, quán rượu bia vào các giờ cao điểm 11h - 14h, 16h - 21h hàng ngày.
Lực lượng CSGT sẽ xử lý mạnh các đối tượng vi phạm theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Áp dụng các biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp chống đối lực lượng thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt quy định: Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 4-6 tháng. Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX từ 3-5 tháng.
Trong cao điểm, lực lượng CSGT sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông, hạn chế thấp nhất các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, đối với xe khách; tham gia đấu tranh phòng chống các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông.
Hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT. Trong đó, trên đường bộ sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi lái xe không chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu giao thông; sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định; điều khiển xe chạy quá tốc độ; đua xe trái phép; xe khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định; chở quá số người quy định; xe tải chở quá trọng tải; không đội mũ bảo hiểm...
Với đường sắt, lực lượng CSGT đường sắt phối hợp với các lực lượng chức năng ngành đường sắt và Công an địa phương tổ chức kiểm tra điều kiện đảm bảo ATGT ở khu vực đường ngang qua đường sắt, kiến nghị các giải pháp phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông giữa tàu hoả với phương tiện đường bộ, tập trung đấu tranh đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm hoạt động trên đường sắt, nhất là tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, vũ khí, pháo, vật liệu nổ...
Trên đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm, phức tạp; tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy.
Châu Như Quỳnh/Dân Trí