Chính thức cho phép phá sản doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài

Cập nhật ngày: 09/11/2016 06:11:53

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020, trong đó sẽ thực hiện phá sản doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ.

Với 82,39% phiếu tán thành, chiều 8/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó nêu rõ sẽ xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thua lỗ, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả; xem xét, thực hiện phá sản DNNN.


Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Theo Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế đó là tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Trong giai đoạn 2016-2020, sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Nghị quyết nêu rõ "xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp".


Kiên quyết phá sản các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài

Quốc hội đặt ra nhiệm vụ nâng cao năng lực của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để mua, bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ, đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu. Xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu hằng năm có 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trên 5,5%, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020. Đến năm 2020, tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt khoảng 25%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.

Trần Ngọc/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn