Cho từ chức, miễn nhiệm cán bộ yếu kém

Cập nhật ngày: 29/12/2016 06:41:03

Loại bỏ tiêu cực trong cơ chế xin - cho, duyệt - cấp; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm, ”sân trước”, “sân sau”; kiên quyết sàng lọc, cho từ chức, miễn nhiệm cán bộ công chức yếu kém, tín nhiệm thấp… là những giải pháp Chính phủ dự kiến áp dụng khi thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về tăng cường chỉnh đốn Đảng.


Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Những nội dung này được Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề xuất khi được giao xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Dự thảo Nghị quyết được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trình bày tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương ngày 28/12.

Dự thảo đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, đồng thời lưu ý các bộ ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, điều hành, kiểm soát việc thực thi quyền lực bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế xin - cho, duyệt - cấp.

Các quy định đề ra hướng tới ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm, “sân trước”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, quản lý và sử dụng biên chế.

Chính phủ cũng sẽ tăng cường hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền.

Bộ trưởng Nội vụ cũng đề cập giải pháp kiên quyết sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh xã hội hóa, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách chế độ công vụ; thực hiện đồng bộ cải cách hành chính nhà nước, tập trung rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính phiền hà, không còn phù hợp, gây khó khăn, cản trở liên quan đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước...

Ngoài ra, Chính phủ quyết tâm khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp quản lý, quy trình bổ nhiệm... tình trạng kén chọn vị trí, chức danh. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp.

Để thực hiện việc ngăn chặn suy thoái, chỉnh đốn cán bộ, Đảng viên, Chính phủ dự kiến tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và thực hiện chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức.

“2016 đi qua những rung lắc dữ dội”


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Trong phiên họp sau cùng của năm 2016 này, Chính phủ cũng sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách năm 2017. Trình bày báo cáo về dự thảo Nghị quyết này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý phải theo dõi sát diễn biến, cập nhật tình hình các đối tác kinh tế lớn để có phản ứng chính sách phù hợp.

“Năm 2016 đã đi qua những rung lắc dữ dội như sự kiện Brexit, chứng khoán Trung Quốc, FED tăng lãi suất, điều chỉnh chính sách sau bầu cử ở một số nước...”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Phó Thủ tướng nêu 3 chỉ tiêu quan trọng nhất trong năm tới là GDP tăng 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2017 dự kiến tổng mức phát hành trái phiếu chính phủ là 250.000 tỷ, giảm 30.000 tỷ so với năm nay. Cơ cấu trái phiếu chính phủ có sự thay đổi tích cực khi nguồn vốn từ ngân hàng giảm, các tổ chức tài chính khác tăng, kỳ hạn tăng.

Theo đó, điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu, trừ những cam kết quốc tế và hạn chế ban hành chính sách tăng chi trừ trường hợp đặc biệt. Tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật ngân sách, thu trong nền kinh tế, chi theo khả năng, vay trong năng trả nợ.

Trong thực hiện nhóm giải pháp cải cách hành chính, dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung xử lý các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng…

“Khâu yếu nhất của chúng ta là tổ chức thực hiện, vì vậy lần này Nghị quyết giao rất kỹ. Trong tháng 1/2017, các bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể. Thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp trên để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh” - Phó Thủ tướng nói.

P.Thảo/Dân Trí

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn