Chú trọng vấn đề môi trường trong thu hút FDI

Cập nhật ngày: 05/07/2016 09:10:04

“Không bao giờ được coi nhẹ vấn đề môi trường trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư, cả trong nước lẫn đầu tư nước ngoài”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), GS, TSKH NGUYỄN MẠI đã khẳng định như vậy khi trao đổi ý kiến với phóng viên (PV) Báo Nhân Dân chung quanh câu chuyện thu hút FDI từ nay đến cuối năm 2016.


Lắp ráp bản mạch các sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH STRONICS Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc), Khu CN Đình Trám (Bắc Giang)

PV: Thưa giáo sư, sáu tháng đầu năm 2016, Việt Nam tiếp tục đạt được những kỷ lục mới trong việc thu hút và sử dụng vốn FDI. Giáo sư đánh giá như thế nào về những kết quả này?

GS, TSKH Nguyễn Mại: Sáu tháng đầu năm, con số vốn FDI thực hiện đã đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng vì cho thấy, những dự án đầu tư cấp mới gần đây đi vào thực hiện rất nhanh. Có những dự án như đầu tư của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại khu công nghiệp Tràng Duệ (khu kinh tế Đình Vũ, TP Hải Phòng) chỉ cần một năm từ khi nhận giấy chứng nhận đầu tư đã có thể đi vào hoạt động trong khi trước đây, nhiều dự án khác thường kéo dài từ ba đến 5 năm. Có thể thấy, trên khắp cả nước hiện nay, những công trường lớn nhất đang gấp rút thi công và sẽ sớm đi vào hoạt động trong nay mai phần lớn đều là những dự án FDI.

Điển hình trong số đó là dự án nhà máy sản xuất điện tử gia dụng do Samsung đầu tư tại khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, mở ra “cánh cửa” cho gần 200 doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị hàng hóa của Tập đoàn quốc tế này. Samsung cũng đang xây dựng một khu nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội. Dự án này mong đợi sẽ tạo ra một thị trường công nghệ tại Việt Nam và quan trọng hơn, mở ra cơ hội việc làm cho hơn 3.000 kỹ sư người Việt Nam. Các kỹ sư sẽ được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia công nghệ hàng đầu và được thụ hưởng những công nghệ cũng như ý tưởng mới nhất, từ đó tác động lan tỏa ra toàn nền kinh tế,...

Rõ ràng, không chỉ vốn đầu tư FDI đăng ký mới, cấp thêm hay vốn thực hiện tăng cao mà chúng ta còn thu hút được nhiều dự án FDI quan trọng, đúng theo định hướng của Chính phủ về việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của FDI.

PV: Dự báo về triển vọng thu hút và giải ngân vốn FDI từ nay đến cuối năm như thế nào, liệu chúng ta có duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay không, thưa giáo sư?

GS, TSKH Nguyễn Mại: Tính đến ngày 20-6, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt hơn 11,28 tỷ USD, tăng gấp 2,05 lần so cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, lượng vốn FDI thu hút được sáu tháng đầu năm 2015 tăng chậm nhưng lại có đột biến vào những tháng cuối năm và đạt mức 20,5 tỷ USD. Như vậy, khả năng FDI năm nay tăng gấp hai lần năm 2015 khó đạt được, nhưng tăng thêm 10 đến 15 tỷ USD là trong tầm tay. Tôi dự đoán, năm nay chúng ta sẽ thu hút được khoảng 20 đến 25 tỷ USD vốn FDI. Bên cạnh đó, trong năm 2015, chúng ta cũng có con số vốn thực hiện tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, đạt mức 12,5%. Mức tăng trưởng này trong năm nay chắc chắn cũng sẽ giữ được hoặc có thể tăng thêm vào cuối năm.

PV: Như vậy, triển vọng thu hút FDI là khá lạc quan. Tuy nhiên, theo giáo sư, chúng ta phải làm thế nào để thu hút được nguồn vốn FDI có chất lượng, tránh những sự cố tương tự như sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra vừa qua tại các tỉnh ven biển miền trung?

GS, TSKH Nguyễn Mại: Bài học kinh nghiệm ở đây là không bao giờ được coi nhẹ vấn đề môi trường trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư, cả đầu tư trong nước và nước ngoài. Từ sự cố môi trường biển vừa qua, Chính phủ nên xem xét lại định hướng thu hút FDI bởi trong đầu tư, có rất nhiều ngành rất dễ gây ô nhiễm môi trường nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ như sắt thép, lọc hóa dầu, hóa chất, xi-măng… Mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh đã được Nghị quyết Đại hội Đảng XII khẳng định. Đây là nhiệm vụ của cả Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và phải được quan tâm bắt đầu ngay từ việc lựa chọn dự án FDI hay nhà đầu tư.

Tôi cho rằng, chúng ta là nước công nghiệp hóa đi sau, nên cần học hỏi những kinh nghiệm của các nước đi trước để tránh các “vết xe đổ”. Tôi hy vọng, chúng ta nên xem xét lại việc cấp giấy phép đầu tư trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Chúng ta chỉ có thể khai thác dầu thô khoảng 15 triệu tấn/năm, trong khi tổng công suất các dự án lọc hóa dầu đã được cấp giấy phép là 55 đến 60 triệu tấn, nghĩa là ta phải nhập khẩu dầu thô về để tinh lọc. Trong khi, lợi nhuận từ tinh lọc dầu thô chỉ được khoảng 10%, dự án chiếm nhiều đất, lại tạo ra ít việc làm, nhiều khả năng gây ô nhiễm môi trường... Tương tự với các ngành khác như xi-măng, dệt nhuộm, sắt thép, chúng ta cũng cần cân nhắc rất kỹ lưỡng việc thu hút thêm đầu tư vào những lĩnh vực này.

PV: Vậy giáo sư có thể cho biết cụ thể hơn những giải pháp giúp Việt Nam lái được dòng vốn FDI này theo đúng hướng?

GS, TSKH Nguyễn Mại: Dư luận và cộng đồng doanh nghiệp đang rất ghi nhận những cố gắng gần đây của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Ngân hàng thế giới đánh giá, Việt Nam đang là đất nước đi đầu trong cải cách, đổi mới thể chế và xây dựng luật pháp. Tuy nhiên, chúng ta lại đang nằm ở cuối bảng xếp hạng trong nhiệm vụ thực thi thể chế. Đây rõ ràng là một hồi chuông cảnh báo.

Một thể chế tốt mà không được thực thi nghiêm túc thì hiệu quả mang lại sẽ khó như mong đợi. Những kỳ vọng của doanh nghiệp vào Chính phủ mới có trở thành niềm tin hay không nằm ở việc thực thi thể chế. Tuy nhiên, với bộ máy và đội ngũ công chức hiện nay, ý tưởng tạo lập một Nhà nước kiến tạo không dễ thực hiện. Tôi hy vọng Chính phủ mới với quyết tâm hiện có sẽ giải quyết được thách thức lớn nhất này.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu những lợi thế rất cơ bản mà nhiều nước không có, thí dụ như sự ổn định của kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội,… Đây là cơ sở tạo dựng niềm tin lớn cho các nhà đầu tư. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế có tín nhiệm, Việt Nam là nước “đáng sống” trong mắt nhiều nhà đầu tư. Rất nhiều người nước ngoài đã tỏ rõ mong muốn được lập nghiệp và chuyển đến sinh sống tại Việt Nam. Trong bối cảnh niềm tin đã bắt đầu bị suy giảm ở rất nhiều khu vực trên thế giới như châu Âu, Trung Đông hay Hoa Kỳ,… rõ ràng đây là điều rất đáng tự hào. Nếu nhìn nhận và phát huy được những lợi thế này, cùng với quyết tâm vượt qua được chính mình thì chúng ta không cần nghi ngại gì về vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Tính đến ngày 20-6, Việt Nam đã thu hút được 1.145 dự án FDI cấp mới với số vốn đăng ký đạt hơn 7,4 tỷ USD, tăng 51,3% về số dự án và tăng 95,3% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2015. Có 535 lượt dự án đã cấp phép từ trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt hơn 3,78 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt hơn 11,28 tỷ USD, tăng 105,4% so cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện sáu tháng đầu ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

T.THÀNH (Theo NDĐTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn