Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 03/12/2015 09:57:21

Bên lề hội nghị được coi là “COP 21 Việt Nam” ngày 2-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi với báo chí.


Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu dự hội nghị.

*Phóng viên: Đây là lần đầu tiên Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị như thế này. Đồng chí kỳ vọng như thế nào về việc phát huy vai trò của các tôn giáo trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống BĐKH?

*Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta đều biết trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, các tôn giáo đã có những đóng góp rất tích cực vào sự phát triển chung, vào sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ thống nhất đất nước. Đơn cử như các hoạt động chăm sóc cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia bảo vệ môi trường ở cơ sở, giữ gìn trật tự trị an, bảo tồn văn hóa dân tộc… Đó là sự đóng góp đa dạng, phong phú. Nhưng từ trước đến nay chưa có sự kết nối đóng góp của các tôn giáo vào một việc chung. Chủ yếu vẫn là các tôn giáo làm những việc, trên nhiều địa bàn theo cách của mình.

Gần đây, nhìn nhận nhu cầu thực tiễn, chúng tôi thấy rằng các tôn giáo tuy có tôn chỉ khác nhau, phong tục sinh hoạt khác nhau nhưng ngày càng quan tâm đến một vấn đề mà đất nước và nhân loại đang rất “nóng” hiện nay: đó là vấn đề bảo vệ môi trường, chống BĐKH, làm thế nào để có phương thức sống thích ứng với BĐKH. Và trong thời gian gần đây, các tôn giáo bắt đầu hình hành chương trình của mình. Đơn cử như giữa năm nay, công giáo trên thế giới qua lời kêu gọi của Giáo hoàng muốn giáo dân và người dân toàn cầu quan tâm đặc biệt đến sự đe doạ của ô nhiễm môi trường toàn cầu, Khi chúng tôi tiếp xúc với đại diện công giáo và Tòa thánh Vaticăng thì thấy rằng, đây không chỉ là nguyện vọng của người công giáo, mà đó còn ý chí và tấm lòng của các tôn giáo khác nhau trên thế giới. Vì vậy, qua bàn bạc, lãnh đạo mặt trận thấy rằng đây là thời điểm chín muồi có thể phát huy nội lực của các tôn giáo để cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, sự phối hợp với Bộ TN-MT, mặt trận các cấp trong việc bảo vệ môi trường, chống BĐKH.  Chúng tôi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất lớn của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo trong cả nước. Vì vậy, lần đầu tiên trong lịch sử từ năm 1945 đến nay, có hội nghị của tất cả các tổ chức tôn giáo về một chủ đề chung gắn với lợi ích của đất nước, lần này là vấn đề  bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.

Có thể thấy, các tôn giáo dùng các khái niệm, ngôn ngữ khác nhau khi nói về nội dung này, nhưng đều gặp nhau ở quan điểm lớn: đó là chúng ta cùng sống chung trên Mẹ trái đất, và hiện đã có những yếu tố hủy hoại trái đất, gây hậu quả cho con người. Để khắc phục vấn đề này thì tất cả mọi người tham gia vào đây. Từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đến từng tôn giáo, từng người dân. Thông điệp chung của chúng tôi là “hậu quả BĐKH là khôn lường, đã đến lúc phải tập hợp thành sức mạnh đoàn kết của các lực lượng, trong đó có các tôn giáo để nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục hậu quả và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hiện nay và tương lai”.

* Sau hội nghị này, đồng chí  có kỳ vọng gì kết quả bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH ở Việt Nam?

* Qua hội nghị lần này có thể thấy, khi chúng ta chọn được chủ đề chung, gắn bó với lợi ích của nhân dân thì từng tôn giáo sẽ phát huy được sáng kiến của mình theo định hướng chung. Chẳng hạn khi đã có cam kết ở phường-xã, thì cộng đồng các tôn giáo nên có ít nhất 1 dự án hoặc 1 chương trình hoạt động để góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Các chương trình này có thể ở 6 lĩnh vực. Thứ nhất, có thể kiểm tra rác thải ở mỗi phường, xã được xử lý như thế nào. Nếu rác không được thu gom, gây ô nhiễm cuộc sống thì nhân dân ở cộng đồng nói chung, tôn giáo nói riêng bàn bạc để hình thành dự án thu gom rác thải và xử lý rác thải với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và MTTQ. Thứ hai, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ nông nghiệp ở mỗi ở mỗi phường xã, cần nghiên cứu làm thế nào giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm thông qua sử dụng phương thức sản xuất sử dụng đầu vào ít chất thải, lựa chọn phương thức canh tác hữu cơ, đảm bảo đúng nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây, không sử dụng quá liều… Thứ 3, quan tâm đến việc tiết kiệm nước trong sản xuất, dùng công nghệ nhỏ giọt, tưới phun và tiết kiệm nước trong tiêu dùng. Vì nước là tài nguyên có nguy cơ cạn kệt và chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Thứ 4, tùy điều kiện địa phương ở đồng bằng hay miền núi để phối hợp với chính quyền rà soát lại phương án sẵn sàng ứng phó với thảm họa ở phường xã mình.  

Với thông điệp là “mỗi cơ sở 1 dự án”, tại hội nghị lần này các tôn giáo cũng cam kết cùng MTTQ 2 năm/lần giám sát các cơ sở sản xuất trên địa bàn về tuân thủ luật pháp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các tôn giáo sẽ cùng phối hợp với mặt trận vận động nâng cao ý thức của cộng đồng qua thực hành giáo lý hàng tuần, hàng tháng. Theo đó, các tôn giáo sẽ thường xuyên nhắc đến nghĩa vụ của công dân là bảo vệ môi trường, chăm lo thích ứng với BĐKH. Chúng tôi cũng mong muốn đến tết trồng cây hàng năm, mỗi tôn giáo vận động người dân trồng cây trên địa bàn mình và tham gia bảo vệ rừng. Đó là những cam kết có địa chỉ. Mặt trận sẽ đổi mới hoạt động theo hướng đi vào phối hợp làm những việc thiết thực như vậy.

PHAN THẢO/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn