Cải cách thủ tục thuế, hải quan
Chuyển khó từ tay phải sang tay trái
Cập nhật ngày: 17/09/2014 04:49:53
Nghị quyết 19/NQ-CP ra đời, mục tiêu đến cuối năm 2015, Việt Nam sẽ giảm số giờ kê khai, nộp thuế còn 171 giờ, giảm số ngày thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu xuống 13 - 14 ngày. Nhiều thông tư ra đời, sửa đổi với mong muốn tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển. Thế nhưng, các quy định mới có thực sự tạo luồng sinh khí mới?
Sản xuất may mặc tại Công ty cổ phần quốc tế may Thắng Lợi, quận Tân Phú, TPHCM.
Sửa đổi, xoay vòng
Một trong những bất cập trong hệ thống pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật càng ở cấp thấp, càng gây khó cho DN. Cụ thể, nghị định quy định DN mới thành lập chỉ cần có đầu tư là sẽ được thực hiện kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ - tức được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) - thế nhưng, đến thông tư hướng dẫn thì lại quy định phải có vốn đầu tư 1 tỷ đồng trở lên mới được sử dụng hóa đơn GTGT. Điều này gây khó cho DN mới vì hầu hết DN Việt Nam là DN nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ... Để “sửa sai” và thực hiện theo đúng tinh thần của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi những bất cập trong những thông tư trước đó. Thông tư 119 bỏ mức vốn đầu tư 1 tỷ đồng và cho phép DN được tự nguyện đăng ký phương pháp khấu trừ thuế. Tưởng đã “êm”, nào ngờ khi bỏ quy định 1 tỷ đồng, thông tư này lại “đẻ” ra thủ tục mới là bắt DN phải tự lập dự án đầu tư và tự phê duyệt để làm điều kiện được phép sử dụng thuế GTGT!
Một người ví von, công tác cải cách thủ tục hành chính như “model” thời trang, hết ống loe đến ống túm rồi lại ống loe. Trước đây, để tạo điều kiện cho DN trong các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM, Chính phủ triển khai thực hiện cơ chế “một cửa, một dấu tại chỗ”, cho phép Ban Quản lý các KCX, KCN TPHCM (HEPZA) giải quyết mọi thủ tục hành chính cho DN. Từ việc cấp giấy chứng nhận đến cấp phép xây dựng, chứng thực hồ sơ giấy tờ… đều được tiến hành trong khuôn viên KCX-KCN. Thế nhưng, quy định “cải cách” lại trở về giao việc cấp phép, hoàn công xây dựng về cho cơ quan chức năng ngành xây dựng; giao việc công chứng, chứng thực lại cho phòng công chứng. Điều đó gây xáo trộn cho DN. “Riêng việc công chứng các giao dịch của DN trong KCX-KCN cũng gặp rất nhiều trở ngại. Nguyên nhân, các phòng công chứng bên ngoài không hiểu được cơ chế và các giao dịch giữa các DN trong KCX-KCN. Cuối cùng, cải cách lại dẫn đến khó khăn, ách tắc cho DN” - ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TPHCM, nói. “Trong khi đó, thời gian qua, HEPZA thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính với cơ chế một dấu, một cửa liên thông, ứng dụng ISO 9001:2008. Trong quý 2-2014, có 40% hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư được giải quyết trước hạn 1 - 5 ngày, 25% hồ sơ được giải quyết trước hạn 6 - 10 ngày và 30% hồ sơ được giải quyết trước hạn trên 10 ngày. Mục tiêu đề ra là năm nay sẽ có 30% hồ sơ được giải quyết trước thời hạn...” - bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Chánh văn phòng HEPZA, cho biết.
Càng chi tiết, càng dễ… xiết!
Một bất cập là trong khi DN kêu rằng hệ thống pháp luật chồng chéo, khó hiểu thì nhiều quy định ở cấp thông tư lại can thiệp quá sâu và quy định quá chi tiết khiến DN… dễ bị làm khó. Hóa đơn là một ví dụ. Chỉ cần quy định những tiêu chí và nguyên tắc ghi, quản lý hóa đơn thì đằng này các thông tư quy định cả chữ viết, dấu chấm, dấu phẩy! Trong khi, trên thực tiễn phát sinh hàng trăm vấn đề, nếu quy định chi tiết thì càng không thể nào quy định hết được. Do vậy, khi phát sinh tình tiết mới là DN bị cán bộ thuế làm khó, thậm chí bắt bẻ từ nét ký tự trong hóa đơn. Cụ thể, thay vì quản lý DN bằng mã số thuế (cán bộ chỉ cần nhập mã số thuế là có tất cả thông tin tên, địa chỉ DN) thì thông tư lại quy định theo từng mục nên chỉ cần người lập hóa đơn ghi sai một nét ký tự về tên, địa chỉ là cán bộ thuế không chấp nhận hóa đơn đó hoặc xử phạt. Trong khi, các thông số tên, địa chỉ là thông số động, dễ bị thay đổi, còn mã số thuế mới là thông số ổn định, quy định tư cách pháp nhân xuyên xuốt của một DN. Dùng cách quản lý máy móc, rồi áp dụng loại bỏ hóa đơn hoặc áp dụng phạt càng khiến cho không ít DN bức xúc.
Nhiều quy định mà DN cho rằng, chỉ cần xác định nguyên tắc thôi, không nên đi vào chi tiết. Ví dụ như quy định dùng dấu chấm hoặc dấu phẩy trong dấu phân cách của chữ số hiện nay khá phức tạp, các tỉnh thành khác nhau có hướng dẫn khác nhau. Trong khi chỉ cần quy định nguyên tắc, nếu hóa đơn ghi giá trị bằng đồng ngoại tệ thì áp dụng cách ghi theo nguyên tắc quốc tế, còn giá trị VNĐ ghi theo nguyên tắc số của Việt Nam. Ngay việc quy định gạch chéo phần trống trong hóa đơn cũng không cần thiết, bởi vì bên dưới có ghi tổng số tiền bằng số và bằng chữ thì dù hóa đơn có ghi thêm cũng không có giá trị. “Chính việc quy định quá chi tiết, không thống nhất nên nhân viên đi công tác xa rất ngại phải lấy hóa đơn vì khi thanh toán rất dễ bị kế toán không đồng ý theo hướng dẫn của từng cơ quan thuế” - ông Hoàng Thanh, giám đốc tài chính một công ty sản xuất thực phẩm ở TPHCM, than vãn.
Một quy định khác mà DN đề nghị phải hủy bỏ, đó là việc phải gửi thông báo đăng ký sử dụng số tài khoản cho cơ quan thuế. Điều này không cần thiết. Bởi khi hệ thống các ngân hàng chưa liên kết như hiện nay, nếu DN chuyển tiền từ hệ thống ngân hàng này sang cho khách hàng ở hệ thống ngân hàng khác phải mất 2 ngày tiền mới đến. Muốn nhanh chóng, DN phải linh hoạt bằng cách mở thêm tài khoản cùng ngân hàng của khách để làm phương tiện thanh toán nhanh. Nếu khi mở tài khoản phải gửi thông báo cho cơ quan thuế lại tốn thêm thời gian. Trong khi, việc thông báo này chẳng phục vụ cho mục đích gì. Thế nhưng, cơ quan thuế quy định phải có thông báo hoặc đăng ký tài khoản với cơ quan thuế của đối tác thì người mua mới được khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí tính thuế thu nhập DN. Việc này gây khó cho DN vì yêu cầu như vậy sẽ làm mất mối quan hệ kinh doanh. Muốn làm thông thoáng môi trường đầu tư, thiết nghĩ nên loại bỏ những quy định bất cập này để làm đơn giản hơn thủ tục thuế.
HÀN NI - ĐÌNH LÝ/SGGP