Công tác giảm nghèo vẫn theo kiểu “3 ra 1 vào”
Cập nhật ngày: 07/02/2015 04:46:24
Đó là ý kiến của ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Hội nghi trực tuyến công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ 2015 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 5.2. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Hải
Tái nghèo còn cao
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp là 30 nghìn tỷ, còn lại là vốn huy động. Với nguồn vốn trên, trong năm nhà nước đã chi 12,8 nghìn tỷ để mua cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 10 triệu người và cận nghèo… Đồng thời chi nguồn vốn lớn để hỗ trợ hộ nghèo vay vốn sản xuất, xuất khẩu lao động, hỗ trợ nhà ở, đất ở, tiền điện… Do vậy, năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ mức 7,8% xuống còn 5,8%. Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60 - 70%. Chính sách giảm nghèo còn dàn trải, phân tán, khó thực hiện, hiệu quả chưa cao. Việc huy động nguồn lực giảm nghèo ở nhiều địa phương còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, cho rằng do nguồn lực chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Cùng với đó hệ thống chính sách giảm nghèo được ban hành, điều chỉnh, bổ sung qua các năm không tránh khỏi chồng chéo, trùng lắp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương còn thiếu sự gắn kết, nhất là trong việc hoạch định chính sách.
Về mục tiêu năm 2015, sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước xuống còn mức dưới 5%. Để đạt được mục đó, Ban chỉ đạo trung ương về giảm nghèo bền vững sẽ nghiên cứu mạnh dạn đề xuất bãi bỏ các chính sách không phù hợp, tạo sự ỷ lại. Chỉ hỗ trợ những việc người dân không làm được, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy, bảo đảm công khai, minh bạch, hướng tới hỗ trợ thông qua cộng đồng để mang lại hưởng lợi cho nhiều người. Khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, lãi suất thấp, giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến.
Phải bắt được "bệnh" dẫn đến hộ gia đình nghèo
Tại hội nghị, đại diện các địa phương cho biết công tác giảm nghèo trong năm 2014 đã có nhiều bước chuyển mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng nguy cơ tái nghèo cao do thoát nghèo chưa bền vững. Những mô hình xóa đói giảm nghèo vẫn theo mô hình cũ chưa có đột biến trong việc giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó vẫn còn có tình trạng người dân ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, qua giám sát tại các địa phương ông thấy “công tác giảm nghèo vẫn theo kiểu 3 ra 1 vào”, tức là cứ có 3 trường hợp thoát nghèo ở nơi này thì có 1 trường hợp lại tái nghèo. “Phải nắm chắc được nguyên nhân nghèo của từng hộ thì mới giúp hộ nghèo đó giảm nghèo bền vững hay còn gọi là giảm nghèo đúng địa chỉ”, ông Hùng nói.
hát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo. Số hộ nghèo đã giảm, nhiều địa phương đã có mô hình, cách làm tốt trong công tác giảm nghèo… Đây là điều đáng khích lệ.
Mặc dù đạt được kết quả nhưng giảm nghèo chưa bền vững, hộ tái nghèo còn cao. Nguyên nhân là do chính sách chưa đi liền với cân đối nguồn lực, đầu tư hạ tầng cho người nghèo chưa hiệu quả, vẫn có tình trạng ỷ lại vào ngân sách trung ương.
“Việc xoá đói giảm nghèo là mục tiêu chính trị, Chính phủ sẽ lấy hiệu quả công tác giảm nghèo là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá thi đua, hoàn thành nhiệm vụ. Tôi yêu cầu các địa phương tăng chi ngân sách cho giảm nghèo, ngân hàng chính sách nên tăng mức cho vay cao hơn và mở rộng thêm đối tượng được vay vốn để phát triển sản xuất” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Lao Động