Đa dạng thị trường, Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Cập nhật ngày: 27/09/2015 09:27:51

Quá trình thị trường hóa kinh tế Trung Quốc có bị đảo ngược hay không? Trong vòng xoáy đó, Việt Nam làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng từ thị trường lớn này?


TS Phạm Sỹ Thành phát biểu trong buổi tọa đàm tại báo Tuổi Trẻ sáng 25-9 - Ảnh: Quang Định

Trung Quốc sẽ xử lý mối quan hệ giữa chính phủ với thị trường như thế nào, liệu quá trình thị trường hóa kinh tế Trung Quốc có bị đảo ngược hay không? Trong vòng xoáy đó, Việt Nam làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng từ thị trường lớn này?

Các chuyên gia đã cùng thảo luận, tìm câu trả lời cho những vấn đề trên tại tọa đàm khoa học “Trung Quốc trong vùng nước xoáy và những ảnh hưởng đến Việt Nam” do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, TP.HCM tổ chức.

Trung Quốc: đầu tư 
quá cao, tiêu dùng quá ít

GS.TS Đỗ Tiến Sâm, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện hàn lâm KHXH Việt Nam, cho rằng gần đây Trung Quốc đang trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới. Theo ông Sâm, quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng chú ý nhưng cũng đang đứng trước hàng loạt thách thức, khó khăn và mâu thuẫn đòi hỏi phải xử lý.

TS Phạm Sỹ Thành - giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - nói: theo chu kỳ 10 năm, kinh tế Trung Quốc lại hết động lực tăng trưởng.

Những lĩnh vực mà Trung Quốc đã tận dụng trong 30 năm qua để thúc đẩy tăng trưởng là nông nghiệp, công nghiệp và thương mại đều không còn động lực nữa. Chỉ còn duy nhất lĩnh vực mà Trung Quốc có thể tận dụng cho chu kỳ tăng trưởng mới là tài chính - dịch vụ.

Theo ông Thành, được mệnh danh là công xưởng của thế giới, không có gì nguy hiểm bằng khu vực sản xuất đang thật sự bị suy giảm, Trung Quốc đang đối mặt với điều này mà biểu hiện rõ nhất là giá sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp đã có dấu hiệu suy giảm. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dựa vào đầu tư quá cao nhưng tiêu dùng quá thấp, ngược lại hoàn toàn so với nền kinh tế Mỹ, Nhật.

Ông Thành cũng dẫn ra số liệu từ hơn một năm qua giá xuất xưởng công nghiệp của Trung Quốc liên tục giảm. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng Trung Quốc tự mắc bẫy của mình do bị cơn nghiện đầu tư. Đầu tư lớn, sản xuất lớn nhưng hiện nay sức cầu của thế giới suy giảm dẫn đến quốc gia này bị dư thừa sản lượng, kéo theo giá sản phẩm giảm, doanh nghiệp thua lỗ.

Số liệu về lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực nhà nước, rất thấp. Còn khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lợi nhuận chỉ có 4,2%, nhưng vừa qua Trung Quốc đã phá giá 3% nên lợi nhuận thật của doanh nghiệp chỉ khoảng 1,2%.

Điều này đang triệt tiêu việc thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc. Lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng suy giảm mạnh khi nhà đầu tư thấy rằng ở đây chẳng còn hấp dẫn để đầu tư nữa.

Việt Nam vẫn 
xuất khẩu chủ yếu 
sang Trung Quốc

Đặt vấn đề “Việt Nam sẽ như thế nào trước sự thay đổi của Trung Quốc hiện nay?”, TS Thành cho rằng khi Trung Quốc vươn ra bên ngoài bằng chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ bị bẫy cơ sở hạ tầng.

Một thời gian dài Việt Nam đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo những cung đường kết nối với các quốc gia trong khu vực nhưng cách làm không hiệu quả do thiếu chiến lược và hành động quyết liệt.

“Chúng ta đang rất lãng phí các khoản đầu tư, trong đó có đầu tư cảng biển. Nhưng Việt Nam vẫn có thể hóa giải những vấn đề này nếu chúng ta bắt tay từ bây giờ và có những điều chỉnh hợp lý, tìm ra các con đường kết nối phù hợp” - TS Thành gợi ý.

Với bài toán xuất khẩu hàng hóa, so với các nước trong khu vực thì Việt Nam đang có tốc độ thay đổi chậm hơn về mức độ giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Khi Philippines có tranh chấp với Trung Quốc từ năm 2008, họ đã dần tìm kiếm thị trường khác, mức độ xuất khẩu vào Trung Quốc giảm đến 45%.

Ngay cả Thái Lan - một quốc gia có quan hệ tốt với Trung Quốc, 50% xuất khẩu của họ đến từ nhiều thị trường chứ không chỉ xuất vào Trung Quốc. Nhìn lại Việt Nam, trong vài năm qua dù nỗ lực rất nhiều nhưng chúng ta cũng chỉ giảm được 40%, mức giảm này bằng trung bình của cả khu vực Đông Nam Á.

Rõ ràng dù có yếu tố biến động chính trị hay không, cả Thái Lan và Philippines đều có ý thức phải giảm xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng Việt Nam chưa làm được.

Theo luật sư Phùng Anh Tuấn - Công ty luật VCI, chủ doanh nghiệp là người biết rõ cái nào tốt nhất cho doanh nghiệp mình, mua bán của Trung Quốc vẫn sôi động vì thuận lợi, hàng hóa giá rẻ. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm của mình và tìm những thị trường mới, phát triển thế mạnh mới, lợi thế cạnh tranh mới.

“Chúng ta không nên quá lo nghĩ làm sao để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà làm thế nào thay đổi cách làm ăn, tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam ra bên ngoài” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Thành cũng cho rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đa dạng hóa thị trường với việc chúng ta đang ký nhiều hiệp định thương mại tự do. Sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, kéo theo dòng vốn FDI không còn đổ dồn vào Trung Quốc nữa thì Việt Nam có thể được hưởng lợi phần nào từ sự thay đổi này.

Tăng kết nối, tạo ràng buộc

Theo TS Phạm Sỹ Thành, một rủi ro mà Trung Quốc phải đối mặt là thâm hụt cán cân vốn. Trước đây một năm dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm 400 tỉ USD, nhưng một năm qua Trung Quốc đối mặt tình trạng chảy máu vốn với tốc độ giật mình: 800 tỉ USD. Chứng khoán Trung Quốc lập tức gặp vấn đề.

Tăng trưởng tín dụng Trung Quốc cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, nợ xấu Trung Quốc cũng ở mức cao, gồm hai kênh là nợ xấu ở khu vực sản xuất thực và nợ xấu hình thành do sự phát triển quá nóng, đặc biệt ở khu vực bất động sản và nợ địa phương.

Hiện quy mô nợ xấu của Trung Quốc theo đánh giá của các tổ chức quốc tế từ 7-12% chứ không phải 1-1,5% như Trung Quốc công bố. Trong đó phần xấu nhất của nợ xấu là nợ có khả năng mất vốn rất lớn.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang tìm cách hướng ra bên ngoài, không chỉ nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư mà còn thúc đẩy nhu cầu sử dụng đồng tiền của Trung Quốc, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống tài chính khu vực do Trung Quốc chi phối.

Từ việc thay đổi nhận thức này, Trung Quốc đã chuyển sang chiến lược kết hợp thương mại đầu tư và tài chính với nhau, nhưng theo các tầng nấc rất khác biệt và cốt lõi hiện nay là dựa trên việc kết nối cơ sở hạ tầng dẫn đến việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á hay các sáng kiến “Một vành đai - một con đường”.

Bản chất là tạo các siêu dự án cơ sở hạ tầng mà mục đích tăng kết nối và tạo ra sự ràng buộc chặt chẽ với Trung Quốc.

Theo ÁNH HỒNG - NHƯ BÌNH/TTO

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn