Dân chủ trong Đảng: “Hạt nhân” cho dân chủ ngoài xã hội
Cập nhật ngày: 17/08/2016 12:12:06
Theo các chuyên gia, mở rộng dân chủ nội bộ trong Đảng là hạt nhân, là tấm gương mẫu mực cho việc thực hiện dân chủ ngoài xã hội.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Kế thừa và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta qua các thời kỳ Đại hội, đặc biệt là từ khi đổi mới đến nay, đã thực hiện ngày càng sâu sắc hơn vai trò của dân chủ, chú ý thực hành dân chủ, coi dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, về phương diện thực hành dân chủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tư duy toàn diện về phát huy dân chủ
Đại hội XII của Đảng chủ trương “tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”.
Đại hội Đảng lần thứ XII
Theo TS Nguyễn Thị Vy, Tạp chí Cộng sản, đây thực sự là sự tư duy của Đảng ta một cách toàn diện về phát huy dân chủ và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đại hội XII cũng nhấn mạnh nhiệm vụ cần thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời khẳng định, để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội.
PGS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, với tư cách là Đảng chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện đối với xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thực trạng dân chủ của đất nước. Dân chủ trong Đảng là tiền đề và điều kiện để có dân chủ trong xã hội.
“Làm thế nào để cơ chế lãnh đạo của Đảng, các thiết chế hoạt động trong Đảng và mọi sinh hoạt của Đảng… thực sự đạt tới tiến trình dân chủ. Nếu dân chủ trong Đảng còn hạn chế, khiếm khuyết thì dân chủ ngoài xã hội khó tránh khỏi yếu kém, thậm chí bị cắt xén. Và hệ lụy cuối cùng của điều này là hạn chế trình độ phát triển của đất nước. Đây là vấn đề khó và phức tạp cần tiếp tục có những cuộc thảo luận và nghiên cứu sâu sắc. Việc phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội” - PGS.TS Phạm Văn Đức nhấn mạnh.
Mở rộng dân chủ nội bộ đi đôi với dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội là thiết thực đấu tranh chống sự thâm nhập chủ nghĩa quan liêu vào trong Đảng và Nhà nước ta, là phương thuốc hiệu quả nhất chống lại nguy cơ suy thoái chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống của Đảng cầm quyền, giữ gìn bản chất cách mạng tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta. TS Nguyễn Thị Vy, Tạp chí Cộng sản cho rằng, mở rộng dân chủ nội bộ trong Đảng cầm quyền là hạt nhân, là tấm gương mẫu mực cho việc thực hiện dân chủ ngoài xã hội. Đương nhiên, trên nền tảng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng nền dân chủ XHCN thì dân chủ nội bộ Đảng càng thêm sức sống, phản ánh được hoạt động thực tiễn và tập trung trí tuệ của dân tộc, nhờ đó Đảng càng được củng cố vững mạnh. Thời đại ngày nay, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, điều kiện tiếp cận thông tin rộng rãi và nhanh chóng, trình độ kiến thức của cán bộ, đảng viên cùng với mặt bằng dân trí của xã hội nâng cao thì nhu cầu mở rộng dân chủ ngày càng tăng.
Thực hành dân chủ trong Đảng: Cách nào?
Theo PGS.TS Phạm Văn Đức, để thực hành dân chủ trong Đảng và xã hội, Đảng cần tiếp tục đổi mới cả trong công tác lý luận, công tác tư tưởng lẫn công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra và phương thực lãnh đạo theo hướng mở rộng dân chủ hơn nữa, đồng thời khắc phục có hiệu quả những hạn chế, thiếu sót mà Đảng đã mắc phải. “Cùng với đó, Đảng phải làm gì để thể hiện sự kiện quyết đấu tranh và phải giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh làm sạch Đảng và chống tham nhũng, lãng phí? Điều này hết sức quan trọng, không chỉ can dự đến việc củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, mà còn trực tiếp liên quan đến vận mệnh, sự tồn vong của Đảng với tư cách Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền”.
Theo PGS.TS Phạm Văn Đức, để thực hành dân chủ trong Đảng và xã hội, cũng cần phải làm thế nào để nâng cao đạo đức trong Đảng, nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng và thu hút được nhiều nhân tài vào Đảng nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong bối cảnh và tình hình mới hiện nay.
GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, cần loại bỏ đặc quyền, đặc lợi, chống suy thoái, biến chất, tham nhũng, quan liêu. “Để khôi phục và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, để dân ủng hộ, dân tích cực thực hiện đường lối đổi mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc của nhân dân. Cần tạo điều kiện, cơ chế để nhân dân góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước, nhân dân kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, nhân dân thực hiện vai trò giám sát phản biện đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các đoàn thể xã hội”.
Theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, cần có những hình thức, cơ chế để phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực sự là chủ thể của quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đánh của nhân dân, được nhân dân tham gia góp ý kiến trong mọi khâu của quá trình từ đưa ra quyết định đến tổ chức thực hiện.
Theo Minh Hòa/VOV