Đẩy mạnh ứng dụng KHCN để phát triển ĐBSCL
Cập nhật ngày: 08/03/2016 05:52:30
Thủ tướng mong muốn, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL chú trọng hơn nữa trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN); đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, coi đây là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương nói riêng và cả khu vực nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chiều 7/3, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KHCN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” khu vực ĐBSCL.
Khẳng định đây là hội nghị có ý nghĩa thiết thực, Thủ tướng nêu rõ, ĐBSCL là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng và là vùng kinh tế trọng điểm, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, có đóng góp rất nhiều vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là những khó khăn, thách thức do những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn… song các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các tỉnh ĐBSCL luôn phấn đấu hết mình, phát huy tốt những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao; các tiềm năng và lợi thế của vùng như nông nghiệp, trồng cây ăn trái, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản,… được phát huy mạnh mẽ.
Những kết quả mà các tỉnh trong vùng ĐBSCL đạt được đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển chung của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tiến trình phát triển, vùng cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nổi lên là năng suất lao động thấp; nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ cơ giới hóa, ứng dụng KHCN còn hạn chế, hạ tầng giao thông vận tải kém phát triển,…
Thủ tướng mong muốn, qua hội nghị lần này, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL cần chú trọng hơn nữa trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN; đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, coi đây là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương nói riêng và cả khu vực nói chung.
Thủ tướng cũng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nhất là khoa học ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý và thúc đẩy KHCN ngày càng đi vào cuộc sống thiết thực và hiệu quả hơn, thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng xem sản phẩm kéo thép định hình của các kỹ sư tỉnh Tiền Giang. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động KHCN thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL giai đoạn 2005-2015; Báo cáo kết quả ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, quy định pháp luật về phát triển KHCN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 tại địa phương; Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình KHCN cấp nhà nước phục vụ phát triển vùng Tây Nam Bộ;…
Nhiều ý kiến phát biểu thảo luận nhận định, mặc dù là khu vực có điều kiện khó khăn nhất của cả nước, nhưng trong giai đoạn vừa qua, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả trong phát triển KHCN, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu, ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp chế biến vẫn chưa thật sự trở thành động lực cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế; trình độ năng lực của cán bộ hoạt động KHCN còn yếu và thiếu các chuyên gia đầu ngành; năng lực của một số cơ sở nghiên cứu chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào thực tiễn; chính sách pháp luật về KHCN chậm được ban hành, nhất là việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, cảnh báo thiên tai…
Nguyễn Hoàng (Chinhphu.vn)