Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 16/07/2016 19:33:36

Ngày 16/7, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội thảo “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp”, với sự tham gia của các bộ, ngành trung ương; UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; các nhà khoa học…


Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL

Theo Bộ NN-PTNT, xác định vai trò quan trọng của khoa học công nghệ nên thời gian qua Bộ NN-PTNT đã cụ thể hóa “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia” vào chiến lược phát triển khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp, của các chương trình, đề án… để triển khai áp dụng cụ thể cho từng lĩnh vực, từng đối tượng; đồng thời gắn với doanh nghiệp và nông dân. Việc chuyển giao khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp đã có những thay đổi căn bản về chất lượng, mang lại giá trị sản xuất.

Theo đó, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,13%, vượt mục tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (từ 2,6-3%). Chất lượng tăng trưởng cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành tăng từ 57% năm 2010 lên 68% năm 2015. Xuất khẩu nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 bứt phá mạnh mẽ, tăng bình quân 9%/năm (từ 19,5 tỷ USD năm 2010 lên 30,14 tỷ USD năm 2015). Đến nay, đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ. Đạt được thành quả trên là có sự đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ mang lại.

Tuy nhiên, hạn chế lâu nay là việc tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, một số nơi chưa phát huy được vai trò của khoa học công nghệ là động lực, sự gắn kết giữa khoa học công nghệ và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa nhiều, doanh nghiệp chưa tham gia mạnh vào nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: “Cần có chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp bài bản hơn và mạnh hơn nữa. Theo đó, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Làm được như vậy, bản thân doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu và có uy tín trên thương trường; còn nông dân cũng phải thay đổi thành “nông dân kiểu mới”. Nông dân kiểu mới sẽ không tự do sản xuất theo ý mình, theo kinh nghiệm, mà phải triệt để tuân thủ quy trình GAP”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam nhìn nhận: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu và hạn, mặn ngày càng khốc liệt thì việc ứng dụng khoa học công nghệ để giảm thiểu thiệt hại cho cây ăn trái; lai tạo những giống cây chịu hạn, mặn là rất cấp bách. Thời gian qua các nhà khoa học đã nghiên cứu, lai tạo một số giống rau, quả thành công như thanh long ruột đỏ Long Định 1; bưởi đường lá cam ít hạt; cam sành không hạt; nhãn lai LĐ 11; xoài Châu hạng võ; xoài thơm…”.

Kết quả bước đầu là vậy, tuy nhiên để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ NN-PTNT và các nhà khoa học, cần hoàn thiện chính sách về hợp tác công tư, liên kết tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng. Có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rau, quả tiêu chuẩn GAP…

D.Út (Huỳnh Lợi/SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn