ĐBSCL đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản

Cập nhật ngày: 20/04/2013 05:32:32

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hằng năm làm ra 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% lượng thủy sản và 70% lượng trái cây của cả nước nhưng nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng chỉ đạt tỉ lệ thấp. Để từng bước khắc phục tình trạng này, các tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp tạo đầu ra ổn định, nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản.

Từ nay đến năm 2020, sản xuất nông thủy sản vùng ĐBSCL điều chỉnh theo hướng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và vận chuyển; liên kết vùng nguyên liệu với nhà máy, thị trường và hợp tác giữa các địa phương ĐBSCL với các địa phương ngoài vùng, với quốc tế...

Từ nay đến năm 2015, mỗi tỉnh phấn đấu mỗi năm bao tiêu theo hợp đồng ít nhất 30% sản lượng lúa đông xuân và hè thu; từ 40 – 50% lượng cá tra. Tỉ lệ này sẽ nâng dần trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các mặt hàng chủ lực khác như trái cây, rau, thịt gia súc, gia cầm cũng được xác định phấn đấu bao tiêu với số lượng năm sau cao hơn năm trước.

Song song với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các địa phương ĐBSCL quy hoạch, hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghệ sau thu hoạch, phối hợp thực hiện chặt chẽ từ sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông ngư nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường công tác dự báo thị trường, kiểm tra chất lượng nông sản. Các địa phương đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản; liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài có cùng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường; mở rộng tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Nguồn: Thế Đạt (Chinhphu.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn