ĐBSCL: Tăng cường lấy nước dự trữ chống hạn mặn
Cập nhật ngày: 14/04/2017 05:40:58
Chiều 13-4, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, hiện nay nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công duy trì ở mức cao.
Tại trạm Kratie mực nước trong 10 ngày đầu tháng 4-2017 tiếp tục cao khoảng 8,15m; dự báo đến hết tháng 4, dòng chảy về Kratie trên dưới 8,0m, lưu lượng dao động trong khoảng 3.800-4.300 m³/s, đảm bảo duy trì ranh giới mặn hợp lý vùng cửa sông thấp hơn nhiều so với bình quân nhiều năm.
Năm 2017, các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công thuộc Trung Quốc xả sớm hơn 1 tháng so với năm 2016. Vì vậy, khả năng giảm xả nước sớm hơn so với năm trước là có thể xảy ra ở nửa cuối tháng 4 và ảnh hưởng đến đồng bằng trong nửa đầu của tháng 5.
Nông dân ĐBSCL tranh thủ xuống giống lúa hè thu sớm, khi nguồn nước còn, để né hạn mặn
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, tháng 4-2017, nhiệt độ cao nhất ở mức 34 – 37 độ C và có khả năng xuất hiện một số đợt mưa trái mùa nhưng phân bố không đồng đều giữa các khu vực. Tại các vùng ven biển phía Đông và một số nơi ở An Giang, Đồng Tháp, Long An có lượng mưa 50-100mm; Vùng ven biển phía Tây có lượng mưa lớn nhất 100-150mm; các vùng còn lại có lượng mưa vào khoảng 70-120mm. Mùa mưa năm 2017, có thể đến sớm hơn.
Nhà vườn ở Đồng Tháp tăng cường trữ nước và che bạt để chống hạn cho cây ăn trái
Tại Tân Châu, mực nước lớn nhất trong tuần đầu tháng 4-2017 đạt mức từ 1,29-1,47m; tại Châu Đốc từ 1,42-1,61m. Dự báo đến hết tháng 4 mực nước chủ yếu ảnh hưởng do thủy triều, mực nước đỉnh lớn nhất trong các ngày thấp hơn 15-20cm so với 10 ngày đầu tháng 4. Như vậy, trên địa bàn An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long nguồn nước trong tháng 4 đảm bảo.
Các khu vực ven biển thuộc Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng cần tranh thủ lấy nước, tích trữ nước phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn; đồng thời xuống giống vụ hè thu sớm hơn mọi năm, khi nguồn nước còn thuận lợi. Do ảnh hưởng của triều thấp, nên khả năng đưa nước về vùng trung tâm Bán đảo Cà Mau giảm; các khu vực ở Bạc Liêu, một phần của Sóc Trăng, Kiên Giang và Hậu Giang nước về ít; do đó ngành nông nghiệp và người dân cần tranh thủ lấy nước càng nhiều càng tốt, tăng cường tích trữ nước vừa để phục vụ sản xuất, vừa để chống hạn và xâm nhập mặn trong thời gian tới...
Ông Đặng Văn Lòng, nhà vườn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, dù hạn hán về chậm, nhưng nông dân không thể xem thường bởi thời tiết ngày càng thất thường. Hiện tại, ngoài ra tranh thủ dự trữ nước ngọt thì nhiều nhà vườn còn che bạt đậy gốc vườn cây ăn trái, sẵn sàng chống hạn khi vào cao điểm mùa khô…
Theo Long Hòa/SGGPO