Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/1/2017
Cập nhật ngày: 22/08/2016 10:25:11
Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã… năm 2017.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất từ ngày 1/1/2017 sẽ tăng lương tối thiểu vùng 180 - 250 nghìn đồng tùy vùng. Đây là mức được Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp và thống nhất hôm 2/8 vừa qua.
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp gồm 4 mức như sau: Mức 3,75 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng I; mức 3,32 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng II; mức 2,9 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng III và mức 2,58 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng IV.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức lương tối thiểu trên (tăng từ 180 - 250 nghìn đồng so với hiện hành năm 2016, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 7,1 - 7,5% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 7,3%) được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2016 dự kiến khoảng 4,5% - 5% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 2% - 2,5% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động. Nếu thực hiện theo phương án nêu trên thì đáp ứng được khoảng từ 94% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tùy theo từng vùng.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đề xuất phương án điều chỉnh nêu trên cũng đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2016 thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho người lao động trên cả mức lương và phụ cấp lương (thay vì chỉ đóng trên mức lương như hiện nay), mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (dự báo tăng bình quân khoảng 0,3 - 0,5%, trong đó ngành dệt may, da giầy tăng khoảng 1,7-2,7%, đồng thời từng bước bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (dự kiến bảo đảm khoảng 94% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động) và phù hợp với khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mặt khác, phương án này cũng đã tính đến một phần do năm 2016 đã điều chỉnh ở mức cao (năm 2016 điều chỉnh tăng 12,4% so với năm 2015, trong đó dự kiến chỉ số giá sinh hoạt CPI là 5-5,5% nhưng thực tế chỉ có 0,63%).
Theo V.H/VOV