Dẹp nạn “bổ nhiệm người nhà”, phải thi tuyển minh bạch

Cập nhật ngày: 06/10/2016 09:38:19

Tình trạng "tìm người nhà" được giảm thiểu khi các khâu tuyển đầu vào đến việc nâng ngạch, đề bạt được tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch.

Tại phiên làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 21/9, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã đề cập đến việc dư luận và báo chí phản ánh hiện tượng lãnh đạo bổ nhiệm và thăng chức cho người thân trong gia đình.

Bà Lê Thị Nga cho biết, công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân. Thậm chí, có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.

Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.  


PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên ĐBQH khóa XIII cho rằng, tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân, đặc biệt ảnh hưởng đến sự phấn đấu, làm giảm ý chí của thế hệ trẻ. Vì họ cho rằng, họ không có điều kiện, không là con ông cháu cha nên khó có thể làm lãnh đạo.

“Hiến pháp đã quy định mọi công dân đều được bình đẳng như nhau, tức là mọi công dân phải được bình đẳng về cơ hội cống hiến cho Tổ quốc và tham gia quản lý xã hội. Cho dù là con quan hay con dân thì cơ hội thăng tiến cũng phải ngang nhau”, bà Bùi Thị An nói.

Theo đó, cần thiết phải có sự vào cuộc vào của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, cần tiến hành rà soát các địa phương, bộ, ngành xem hiện tượng bổ nhiệm người nhà có nhiều không và nhiều đến mức nào. Trong từng trường hợp cụ thể đúng, sai thế nào cần được công khai cho nhân dân được biết, từ đó có các biện pháp xử lý, khắc phục.

Theo bà An, thực tế cũng có những con em cán bộ xứng đáng được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn đồng tình ủng hộ những trường hợp như thế, nếu họ là người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức thật sự. Song, những trường hợp như vậy cần được bố trí ở chỗ khác vừa phát huy được năng lực vừa giữ được uy tín cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao.

“Theo tôi những đồng chí ở vị trí lãnh đạo trước hết hãy tuân thủ luật và phải gương mẫu. Có những việc luật không cấm nhưng không nên làm. Vì đây là cơ quan, không phải là của riêng ai cả, trọng trách của các đồng chí do dân giao, Đảng giao cho nên phải tuyển thế nào cho minh bạch, công khai tất cả các tiêu chí”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Chấm dứt nạn “con quan thì lại làm quan”

Bà An cho biết, để chấm dứt nạn “con quan thì lại làm quan” không khó. Trước hết những người làm công tác cán bộ phải gương mẫu, công tâm, đặt lợi ích của Đảng, đất nước lên trên hết; phải minh bạch từ khâu phát hiện, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ. Việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý phải được thực hiện qua hình thức thi tuyển một cách công khai, minh bạch với những tiêu chuẩn, yêu cầu rõ ràng và phải có hội đồng thi tuyển chuẩn. Mỗi chức danh thi tuyển nên có nhiều ứng viên tham gia  thi để chọn lọc, chọn trúng người có năng lực.

Sau khi trúng tuyển phải có quá trình theo dõi và kiểm nghiệm, đánh giá thực tiễn, nếu cán bộ mới bổ nhiệm không đảm đương được công việc thì cho thôi. Việc đánh giá cán bộ không chỉ trong nội bộ cơ quan mà phải có cộng đồng giám sát, đánh giá nhằm đảm bảo khách quan, công bằng.

Đồng tình với quan điểm của bà An, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, về mặt xã hội, dư luận không dễ chấp nhận cơ quan nhà nước có vợ, chồng, con cái, thậm chí nhiều người thân làm cùng, không khác gì cơ quan gia đình. Bản thân người lãnh đạo cũng phải kiểm điểm, điều chỉnh việc này và cũng phải là người gương mẫu chấp hành.

Chúng ta đã quy định rất rõ việc hàng năm, cơ quan sử dụng cán bộ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ báo cáo cơ quan quản lý để phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, lâu nay việc này chưa được làm chặt chẽ, chưa chuẩn mực và có nhiều lỗ hổng cho nên người ta có thể lợi dụng, “lách” được luật.

Theo ông Phúc, giai đoạn 2001-2010 ở Đà Nẵng, Long An, TPHCM, Quảng Ninh, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp... tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý đã tạo ra khí thế mới. Theo đó, tình trạng "tìm người nhà" chỉ có thể được giảm thiểu khi các khâu tuyển đầu vào của công chức đến việc nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm phải được thực hiện theo quy định thi tuyển cạnh tranh một cách công khai, minh bạch.

“Từng vị trí, chức danh đều phải có tiêu chuẩn cụ thể. Cần rà lại tất cả các quy định và khẩn trương xây dựng chế độ công chức, công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch thì sẽ khắc phục được những lỗ hổng của công tác nhân sự, có như vậy chúng ta mới thực sự lựa chọn đúng người tài, người có đủ trình độ năng lực, phẩm chất cho một vị trí lãnh đạo hay quản lý”, ông Thang Văn Phúc nêu ý kiến.

Theo Kim Anh/VOV.VN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn