Đón làn sóng FDI vào ĐBSCL
Cập nhật ngày: 27/01/2016 08:23:07
Là vùng sản xuất nông sản lớn nhất cả nước nhưng thời gian vừa qua, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL vẫn còn rất thấp. Theo Bộ KH-ĐT, đến hết năm 2015, vùng ĐBSCL có khoảng 1.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 12 tỷ USD, chiếm 5% tổng vốn đăng ký của cả nước. Trong đó, FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản; thấp nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Theo các chuyên gia, do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ĐBSCL không cao và đang có xu hướng chững lại; cơ cấu chuyển dịch chậm, nông - lâm - ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản bấp bênh do quy hoạch và phát triển sản phẩm thiếu chiến lược, tiếp cận thị trường khó, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải) yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, vùng nguyên liệu chưa được đầu tư bài bản… khiến thu hút đầu tư vào vùng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu hút vốn FDI.
Trong bối cảnh đó, một tín hiệu đáng mừng là những ngày đầu năm 2016 đã có rất nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ… tới tham quan, khảo sát tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL. Cùng với những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương sắp có hiệu lực, đây có thể được xem là những tín hiệu tích cực, mở ra làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực có thế mạnh nhưng ít được quan tâm này. Cụ thể, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) đã ký thỏa thuận hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp với UBND tỉnh Đồng Tháp. 3 hợp phần của dự án gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp; phát triển nông thôn và thương mại ở nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp. Dự án thực hiện trong thời gian 50 năm với diện tích 28.000ha tại các huyện: Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười và Cao Lãnh. Ngoài hợp tác trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo, dự án cũng mở rộng sang những thế mạnh khác của tỉnh là hoa kiểng và thủy sản. Ngoài KRC, Đồng Tháp cũng đã ký kết hợp tác với tỉnh Ibaraki (Nhật Bản), với sự hỗ trợ của World Bank, trong phát triển sản xuất lúa gạo.
Tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, đơn vị vừa làm việc với đoàn Lãnh sự và 28 doanh nghiệp đến từ Thụy Sĩ, sau khi họ đã khảo sát tại Indonesia, Thái Lan để tìm cơ hội đầu tư vào Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL. Hay như vừa qua, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-Bix) đã ký kết bản ghi nhớ với UBND TP Cần Thơ về việc nhập khẩu rơm từ Nông trường Sông Hậu sang Nhật Bản làm thức ăn gia súc; Công ty Digi-Texx (vốn 100% của Đức), chuyên về phát triển phần mềm, dịch vụ số hóa dữ liệu đã chính thức khai trương chi nhánh ở TP Cần Thơ.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định: Không gian cho FDI ở ĐBSCL còn rất lớn. Kinh tế vùng ĐBSCL trong thập kỷ tới dự báo tăng trưởng bằng với tăng trưởng chung của cả nước do cơ sở hạ tầng được cải thiện, môi trường kinh doanh năng động, chi phí lao động thấp, nền tảng nông nghiệp vững chắc… Những ngành có triển vọng thu hút FDI là nông nghiệp, công nghệ sinh học, cơ khí nông nghiệp, may mặc, giày dép, đồ gỗ, công nghệ thông tin, khách sạn - du lịch, logistics...
Để thu hút FDI trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL phải có những giải pháp hữu hiệu, giải quyết bài toán nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Sự tiên phong về tư duy phát triển, gắn kết được quá trình liên kết chuỗi giá trị kinh tế sẽ là khâu đột phá để ĐBSCL phát triển. Tuy nhiên, việc tăng cường thu hút FDI, nhất là FDI vào nông nghiệp đặt ra yêu cầu đột phá về cơ chế, chính sách mới. Dòng vốn FDI chỉ thật sự phát huy tác dụng khi nội tại ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn đủ sức hấp thụ vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh, điều đó đòi hỏi quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết vùng phải được đẩy mạnh hơn nữa nhằm khai thác lợi thế “địa kinh tế” đặc biệt của ĐBSCL. Sự tiên phong về tư duy phát triển, gắn kết được quá trình liên kết các chuỗi giá trị kinh tế sẽ là khâu đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng của quốc gia trong những thập niên tới.
TRẦN MINH TRƯỜNG/SGGP