Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Cập nhật ngày: 10/09/2016 08:01:28
Có thể nói hiện nay, không chỉ trên mạng xã hội, trong giao tiếp của giới trẻ, trong sinh hoạt của một bộ phận xã hội, mà trên cả một số tờ báo, hiện tượng “tiếng ta đá tiếng tây” đang trở nên phổ biến. Dù bao biện thế nào thì hiện tượng này vẫn ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt - một trong các yếu tố cơ bản làm nên bản sắc văn hóa dân tộc…
Mới đây, trong một chương trình giải trí trên truyền hình, khi một thí sinh là người nước ngoài đã có bảy năm sống và làm việc tại Việt Nam, nói và hát bằng tiếng Việt rất tốt, song vẫn được một vị giám khảo “ưu ái” giao lưu bằng tiếng Anh. Điều phản cảm là giám khảo càng nói càng cho thấy khả năng tiếng Anh... dở tệ! Và suốt cuộc thi, giám khảo này luôn duy trì lối nói “tiếng ta đá tiếng tây”, làm người xem rất khó chịu.
Khi thí sinh người nước ngoài đến với cuộc thi muốn biểu diễn cho công chúng Việt Nam thưởng thức đã xác định cách ứng xử tinh tế, đúng đắn là: chọn tiếng Việt để thể hiện, vậy tại sao giám khảo phải chọn tiếng Anh mà không phải tiếng Việt để đối thoại? Rộng hơn, tại sao trong khi nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sinh sống đều có ý thức học nói và viết tiếng Việt đúng chuẩn mực, không pha tạp, thì nhiều người Việt lại tự làm méo mó ngôn ngữ dân tộc? Thiết nghĩ điều này không chứng minh đó là kết quả của quá trình hội nhập hay quốc tế hóa, mà chỉ làm cho ngôn ngữ và tiếng Việt bị pha tạp, lai căng, mất bản sắc.
Không chỉ chuộng nói tiếng nước ngoài, hoặc thi thoảng chêm vào ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày vài từ tiếng Anh, còn có hiện tượng sáng tác ca khúc “nửa tây nửa ta”. Nếu là ca khúc Việt có lời được dịch sang tiếng nước ngoài thì điều đó rất đáng khích lệ, giúp bài hát có thể đến được với đông đảo công chúng, nhất là khi được đăng trên mạng, giúp người nước ngoài biết nhiều hơn về Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là ca khúc có phần lời thi thoảng chêm một vài từ hoặc câu là tiếng nước ngoài khiến người nghe có cảm giác như ăn cơm gặp sạn.
Tiếng Việt là ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, có khả năng biểu cảm cao, vậy sao nhạc sĩ không tận dụng ưu thế đó mà phải vay mượn từ nước ngoài chêm vào phần lời bài hát? Người Việt nghe thấy chướng đã đành, người nước ngoài càng khó hiểu hơn vì có khi nghe cả bài hát nhưng lại chỉ hiểu đúng một câu! Thí dụ bài hát “Nụ hôn bất ngờ” của một ca sĩ khá được giới trẻ mến mộ hiện nay, có đoạn: “Bóng trăng đã tàn rồi về khuya dường như muốn nói: “Ta về thôi”. Thế sao vẫn ngồi, anh nhẹ nhàng hôn lên mắt môi. Thật nồng say, một nụ hôn tựa như mây. Oh first kiss! You make me happy! You make me crazy! Rồi em mới hay thì ra có người thương nhớ thầm em bấy lâu”. Lời ca khúc theo lối tự sự trữ tình bỗng lại xuất hiện câu tiếng Anh (tạm dịch: Ôi nụ hôn đầu tiên, anh đã làm cho em hạnh phúc, anh khiến em muốn nổi loạn) khiến người nghe không khỏi ngạc nhiên. Với một nội dung đơn giản như vậy, chẳng lẽ người viết không thể thể hiện bằng tiếng Việt hay sao mà phải vay mượn từ tiếng Anh?
Hiện tượng này có thể nhận thấy trên trang facebook của một số ca sĩ, người mẫu, diễn viên,… với những dòng trạng thái nửa tây nửa ta: “Thanks mọi người đã đến ủng hộ”; “chiều nay 17h sẽ chính thức on air”; “Hôm nay mình quá happy vì fan quá crazy”, “Cùng team tham gia sự kiện tối qua, hôm nay tiếp tục shooting cả ngày”,...! Rõ ràng những câu trên hoàn toàn có thể diễn đạt bằng các từ thuần Việt, trong sáng, dễ hiểu, thí dụ: “cảm ơn” thay cho “thanks”; “lên sóng” thay cho “on air"; “đội” thay cho “team”; “chụp ảnh” thay cho “shooting”; “hạnh phúc” thay cho “happy”; "người hâm mộ” thay cho “fan”; “cuồng nhiệt” thay cho “crazy”... Lối viết này tác động tới người khác, nhất là giới trẻ, khiến họ cũng bắt chước “người của công chúng”, vì ngỡ rằng thế mới là thời thượng và sành điệu.
Đây là một trong các nguyên nhân làm cho xu hướng sử dụng ngôn từ nước ngoài thay thế ngôn từ tiếng Việt ngày càng tăng. Đến mức vừa qua, một người Việt ở nước ngoài đã phải gọi đây là “Thảm họa tiếng Anh “ba rọi” của người Việt” và cảnh báo nguy cơ làm cho tiếng Việt trở nên ngôn ngữ của sắc dân thiểu số. Nhiều dẫn chứng hài hước được tác giả này đưa ra buộc chúng ta phải suy nghĩ, như: “Dân chúng chỉ thích đi tour chứ không thích đi du lịch. Và chỉ thích gọi phone chứ không thích gọi điện thoại. Và chỉ thích coi ti-vi chứ không chịu coi truyền hình. Các chương trình giải trí/ca nhạc chết hết cả mà chỉ còn các show. Và Got Talent thì quá nhiều fan kể cả fan cuồng. Kẻ ủng hộ, người hâm mộ nay xuống âm phủ cả rồi... Tin hot và tin nóng không biết là tin gì. Đáng buồn hơn, sự lai tạp trong tiếng Việt lại xuất hiện nhiều trong lĩnh vực truyền thông. Đọc báo, nhất là báo và trang điện tử, không khó gặp các bài báo mà nhan đề tiếng Việt chen lẫn tiếng nước ngoài như: Top 5 ca sĩ gợi cảm của làng showbiz Việt; Ảnh cưới “chồng đồng nát - vợ hot girl”…; Vợ sắp cưới kém 20 tuổi xinh đẹp như hot girl…; Hoa hậu … và những scandal gây bão dư luận...
Kỳ lạ là trong khi tiếng Việt vẫn có những từ có khả năng phản ánh chính xác nội dung đề cập mà tại sao phải dùng từ nước ngoài? Để rồi showbiz (giới giải trí), top (đứng đầu), hot girl (cô gái nóng bỏng), shock (sửng sốt, choáng váng); scandal (vụ bê bối); stress (căng thẳng thần kinh); game show (chương trình giải trí); reality show (truyền hình thực tế)... xuất hiện nhan nhản trên báo chí. Coi thường tiếng Việt, vọng ngoại hay vốn từ tiếng Việt hạn chế,… chỉ tác giả mới có thể trả lời; tuy nhiên, trả lời thế nào vẫn cần quan tâm tới tính chuẩn mực trong ngôn ngữ báo chí, giúp công chúng hiểu chứ không phải đánh đố, càng không phải là nơi để thể hiện sự sành điệu.
Ngày nay, khi xu hướng hội nhập, quốc tế hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ, mỗi người nên biết thêm một (vài) ngoại ngữ là cần thiết. Nếu trước kia học ngoại ngữ chỉ bắt đầu với học sinh phổ thông trung học thì nay phổ cập ngoại ngữ đã trở thành một chiến lược quan trọng của giáo dục quốc gia. Và việc dạy - học ngoại ngữ được áp dụng ngay từ bậc tiểu học. Thậm chí ở một số thành phố lớn, ngay từ bậc học mầm non, trẻ em đã được làm quen với ngoại ngữ. Biết một tiếng nước ngoài được ví như mở thêm một cánh cửa của văn hóa, nhưng sử dụng ngoại ngữ trong thực tế cũng cần tuân thủ những quy tắc nhất định, không thể tùy tiện.
Ngôn ngữ là một yếu tố làm nên bản sắc văn hóa dân tộc và nên nhớ, khoản 3 Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Cùng với thời gian, tiếng Việt ngày càng phong phú, có vị trí và vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống, là công cụ giao tiếp chính yếu, góp phần giao lưu và học hỏi, truyền tải tri thức, tác phẩm văn học… Vì thế, hiện tượng tiếng Việt bị biến tướng, lai căng đã và đang đặt ra một số vấn đề cần phải được xem xét nghiêm túc, cần chấn chỉnh, hướng dẫn đúng đắn, kịp thời.
50 năm trước, khi phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 4 năm 1966: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... và những nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền bắc và miền nam đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật”.
50 năm sau, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vẫn còn nguyên tính thời sự. Một trong các hoạt động thiết thực dự kiến diễn ra tháng 10-2016 là Hội thảo khoa học với chủ đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và một số cơ quan trung ương tổ chức. Mục đích của Hội thảo là nhằm khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt - ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất, trên các phương tiện thông tin đại chúng; góp phần định hướng cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ, nhất là với truyền thông hiện đại. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, nhưng cũng cần nhận thức không chỉ là công việc của một cơ quan, ban ngành nào mà là trách nhiệm của mọi người. Nhà văn hóa Đặng Thai Mai từng khẳng định: “Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc”, mỗi người trong chúng ta tâm niệm điều này để xác định trách nhiệm gìn giữ, phát triển tiếng Việt trong hiện tại và vì tương lai.
Theo Thảo Anh/Nhân Dân điện tử