Hào khí cuộc khởi nghĩa Nam kỳ

Cập nhật ngày: 23/11/2015 09:50:59

Ông Mai Công Tài, nguyên cán bộ tuyên giáo xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn TPHCM) có nhiều năm tham gia viết sử về vùng đất quê hương 18 thôn Vườn Trầu và nắm khá rõ tư liệu giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta những năm 1936-1939. Ông kể: “Chung quanh dinh thờ ông Phan Công Hớn, trước kia nhà nào cũng là cơ sở nuôi giấu cán bộ, nơi hội họp của các đồng chí Trung ương. Trong đó có nhà bà Nguyễn Thị Sóc - nơi đặt trụ sở chính của Trung ương Đảng, nhà ông Tư Quýt, ông Hai Đối, nhà bà Tư Giã, đặc biệt là nhà ông Trần Văn Hy (Hai Hy) - nơi diễn ra Hội nghị Trung ương 6 từ ngày 6 đến 8-11-1939, quyết định cuộc khởi nghĩa Nam kỳ cách nay 75 năm…”.


Bộ bàn ghế tại nhà ông Hai Hy, ấp Tiền Lân - nơi các đồng chí Trung ương Đảng ngồi họp Hội nghị Trung ương 6 từ ngày 6 đến 8-11-1939

Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được giương cao

Theo dấu tích và sử sách được những người con, cháu bà Nguyễn Thị Sóc tại căn nhà 98/4 tổ 4, ấp Tây Lân - còn lưu lại, Hội nghị Trung ương 6 có một ý nghĩa lịch sử đối với Đảng, dân tộc, làm thay đổi đường lối đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Căn nhà của bà Sóc hiện được dùng làm nơi thờ phượng họ tộc và những chiến sĩ cách mạng trên quê hương 18 thôn Vườn Trầu. Sử sách ghi lại, trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 6, các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn… đã được nuôi giấu tại đây, và nơi đây cũng diễn ra nhiều cuộc họp bàn, trước khi có những quyết định quan trọng của Trung ương. Thế nhưng, Hội nghị Trung ương 6 lại diễn ra tại nhà ông Hai Hy, trong 3 ngày, từ 6 đến 8-11, với sự tham gia của các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Lê Duẩn… Tại hội nghị này, sau khi phân tích kỹ tình hình Đông Dương và thế giới lúc bấy giờ, Trung ương Đảng đã đi đến xác định mục tiêu là “đánh đổ đế quốc Pháp, chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc”, tạm gác khẩu hiệu “cách mạng ruộng đất”. Tính chất của cuộc cách mạng Đông Dương cũng được chuyển hướng theo là “cách mạng dân tộc giải phóng”…

Theo ông Mai Công Tài, trong nhiều tài liệu hoạt động của Đảng ta giai đoạn 1936-1939 đều xác định sự chuyển hướng này là chủ trương tiên quyết của Trung ương Đảng chỉ đạo các địa phương Nam kỳ lúc bấy giờ tập trung vào xây dựng lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa khi thời cơ đến. Nội dung Nghị quyết Trung ương 6 chỉ ra: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập” và được phổ biến rộng rãi, tạo một luồng gió mới tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng trên cả nước. Và đúng một năm sau, vào giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sục sôi, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 0 giờ ngày 22-11-1940. Cả Nam kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành Nam kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23-11 đến ngày 31-12-1940, mạnh nhất là ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang và nhân dân nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường, cắt dây điện thoại… Một số nơi nhân dân lập tòa án cách mạng xét xử bọn phản động, xóa bỏ các thứ thuế vô lý, xóa các khoản nợ, tịch thu thóc gạo của địch chia cho dân nghèo và nuôi quân. Trong bão táp cách mạng, lá cờ đỏ sao vàng biểu tượng của hồn thiêng sông núi lần đầu được giương cao trong các cuộc biểu tình, tiến công đồn bốt ở Mỹ Tho, Gia Định, Vĩnh Long, Cà Mau, Chợ Lớn, Tân An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Long Xuyên, Thủ Dầu Một… và nhanh chóng trở thành ngọn cờ tập hợp quần chúng cách mạng đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Giữ mãi hào khí khởi nghĩa Nam kỳ

Ở xã Bà Điểm hiện có hơn 20 ngôi nhà được gắn bảng “Địa chỉ đỏ” dành làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu truyền thống cách mạng vùng quê hương 18 thôn Vườn Trầu cho thế hệ hôm nay. Trong đó, ngôi nhà ông Hai Hy được ghi rõ: “Từ năm 1935-1940, các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Mai Công Ty, Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ, Nguyễn Văn Tây… thường xuyên đi đến hội họp, trao đổi nhiệm vụ. Đặc biệt, nơi đây vào ngày 6 đến 8-11-1939 diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì”…

Ngôi nhà xưa - nơi khởi đầu cho quyết định của Đảng ta phát động cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, chủ nhân hôm nay là bà Nguyễn Thị Hòa, vợ ông Út - là cháu nội ông Hai Hy. Ngôi nhà vẫn giữ nguyên lối kiến trúc nhà lai vùng Nam bộ những năm của thế kỷ 19, 20. Khoảng sân trước nhà khá rộng được bà Hòa mở hội quán gắn với tụ điểm văn hóa thường xuyên diễn ra các sinh hoạt thi đấu cờ tướng, chim, hoa, cá kiểng. Bên trong căn nhà đặt chính giữa là bộ bàn ghế được bà Hòa giới thiệu chính là nơi các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng ngồi họp Hội nghị Trung ương 6 trong 3 ngày 6 đến 8-11-1939. Phía bên phải là bộ ván gỗ khá dày và to, cũng là kỷ vật lịch sử 75 năm trước được gia đình bà Hòa giữ lại đến nay. “Trong trận Tết Mậu Thân 1968, lửa cháy sém một góc bàn, bộ ván thì còn nguyên. Đặc biệt là 6 chiếc ghế gỗ mà các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta những năm 1936-1940 đã ngồi họp bàn, lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc thì vẫn còn nguyên…” - bà Hòa tự hào nói.

Bộ bàn ghế và bộ ván gỗ tại nhà ông Hai Hy và nhiều ngôi nhà - địa chỉ đỏ khác của xã Bà Điểm còn giữ lại hôm nay chính là vật chứng - nhân chứng truyền lại cho muôn đời sau hào khí cách mạng của một vùng đất cách mạng đã làm nên cuộc khởi nghĩa vang dội giữa Nam kỳ, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

HOÀI NAM/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn